Khối lượng nặng nhất con người có thể nâng được là bao nhiêu?

Vận động viên Gregg Ernst lập kỷ lục nâng vật nặng nhất với tổng trọng lượng 2.422kg, nhưng giới chuyên gia cho rằng con người vẫn chưa đạt sức mạnh cơ bắp tối đa.

Cả thế giới kinh ngạc khi vận động viên cử tạ người Anh Eddie Hall nâng 50kg ở Giải vô địch nâng tạ thế giới năm 2016. Hall là người đầu tiên phá vỡ giới hạn 500 kg. Sau đó, năm 2020, vận động viên cử tạ Iceland Hafþór Júlíus Björnsson nâng thành công 501kg. Trong khi đó, kỷ lục về vật nặng nhất mà con người từng nâng thuộc về vận động viên Gregg Ernst của Canada, người nâng hai chiếc xe chở tài xế bên trong với tổng trọng lượng 2.422kg, theo Live Science.


Hafthor Bjornsson tham gia giải Giải vô địch nâng tạ thế giới năm 2013. (Ảnh: Victor Fraile/Stringer)

Giới chuyên gia cho biết nhiều khả năng các vận động viên vẫn chưa đạt đến sức mạnh tối đa của cơ bắp và chúng ta chưa rõ giới hạn sức mạnh thực sự của con người ở đâu. Tuy nhiên, rất khó đo sức mạnh cơ bắp tối đa của một người.

Bradley Schoenfeld, giáo sư khoa học thể dục tại Đại học Lehman, cho biết sức mạnh cơ bắp có thể được đo bằng máy điện cơ đồ (EMG). Tuy nhiên, EMG hoạt động bằng cách ghi lại hoạt động điện sản sinh bên trong một cơ bắp, cả bởi tế bào thần kinh hoặc co rút sợi cơ. Kiểm tra như vậy chỉ có thể tiến hành trong phòng thí nghiệm và EMG chỉ theo dõi một nhóm cơ cục bộ, vì vậy không thể đánh giá sức mạnh cơ bắp trên toàn cơ thể người.

"Rất khó xác định giới hạn đó", E. Todd Schroeder, giáo sư vật lý trị liệu lâm sàng tại Đại học Nam California, người nghiên cứu cách tăng cường sức mạnh và khối lượng cơ bắp ở người lớn tuổi, nói. Ông cho rằng cách duy nhất để xác định sức mạnh cơ bắp của một người là thông qua quá trình luyện tập liên tục. "Nếu ai đó nói rằng mình có thể nâng 200 kg, điều đó rất ấn tượng. Tuy nhiên, chúng ta biết họ có thể nâng được nhiều hơn. Chúng ta chỉ không biết nhiều hơn là bao nhiêu", Schroeder chia sẻ.

Về mặt thể chất, khả năng chịu trọng lượng của một người phụ thuộc vào actin và myosin, hai protein cho phép cơ bắp co lại. Những protein này được sắp xếp bên trong những loại sợi cơ khác nhau. Khối lượng cơ và tỷ lệ sợi cơ phụ thuộc vào chế độ tập luyện, cũng như các yếu tố sinh học như di truyền và giới tính. Nhìn chung, hối lượng cơ bắp càng lớn, bạn có thể tạo ra càng nhiều lực.

Các vận động viên cử tạ chuyên nghiệp luôn tự đẩy mình đến giới hạn bằng cách liên tục tăng khối lượng cơ bắp. Tuy nhiên, lực phản hồi sẽ giảm dần khi khối lượng cơ bắp trở nên lớn hơn và cuối cùng, cơ bắp sẽ đạt đến giới hạn của chúng. Schroeder cho biết đôi khi chỉ tăng khối lượng cơ bắp là chưa đủ. Một số người nhẹ cân lại nâng được tạ nặng hơn người có cân nặng lớn hơn.

Một yếu tố mà vận động viên cử tạ cần vượt qua là "ức chế thần kinh cơ", giới hạn lực mà cơ bắp có thể co lại để ngăn chặn chấn thương. Nghiên cứu cho thấy giới hạn này có thể nâng lên nhờ tập luyện sức bền. Ngoài việc rèn luyện thể chất, những người nâng tạ còn phải vượt qua rào cản tâm lý để nâng được mức tạ ngày càng nặng hơn. Những người nâng tạ giỏi nhất là những người có thể vượt qua rào cản và đặt mình vào trạng thái tinh thần phù hợp để vận dụng tất cả sức mạnh cơ bắp.

"Nếu tôi cố gắng nâng vật nặng nhất có thể, ví dụ như 90kg, và sau đó có thể loại bỏ sự ức chế thần kinh đó, tôi có thể nâng được 136kg", Schroeder nói.

Hiệu ứng này được kiểm chứng trong một nghiên cứu năm 2020 trên tạp chí Impulse. Các nhà nghiên cứu tìm cách xác định liệu hình dung tích cực, kỹ thuật gồm tưởng tượng trong đầu kết quả tích cực, có tác động đến việc rèn luyện sức mạnh hay không.

Họ tuyển chọn 133 vận động viên sinh viên và chia thành hai nhóm. Nhóm đầu tiên hình dung bản thân nâng 110% khả năng nâng của mình ít nhất 5 phút mỗi ngày kèm theo nghe nhạc động viên. Nhóm thứ hai không làm vậy. Sau 3 tuần, nhóm thực hành hình dung tích cực tăng khả năng nâng lên ít nhất 4,5 - 6,8 kg, trong khi nhóm còn lại chỉ tăng trung bình 2,2 kg.

Cập nhật: 30/07/2024 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video