Gan dễ bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn uống có quá nhiều đường.
Nằm ở phía bên phải của bụng, đằng sau những xương sườn dưới cùng là gan của bạn. Cơ quan này giữ một nhiệm vụ vô cùng quan trọng với cơ thể: chuyển hóa độc tố thành những chất vô hại. Bất kể đó là độc tố do tự cơ thể tạo ra hay được nạp vào như thuốc, ma túy, rượu... sẽ đều phải đi qua gan.
Là cơ quan bận rộn nhất trong cơ thể, gan cũng sẽ tiêu thụ nhiều năng lượng nhất. Trung bình, nó ngốn trên 20% lượng calo bạn nạp vào mỗi ngày. Tất cả dùng để nuôi dưỡng các tế bào và khiến nó hoạt động để chuyển hóa protein, chất béo, đường bột, cùng nhiều chức năng khác.
Gan chuyển hóa độc tố thành những chất vô hại.
Gan hoạt động như một nhà máy hóa chất trong cơ thể. Nó cũng giúp chuyển hóa đường hấp thụ từ thức ăn thành năng lượng, dưới sự hỗ trợ của insulin. Các hoạt động phức tạp đến mức cho tới nay, chưa có một thiết bị nhân tạo nào có thể thay thế hoàn toàn vai trò của gan.
Mặc dù giữ vai trò rất quan trọng, gan dễ bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn uống. Tiêu thụ quá nhiều đường fructose có thể khiến các giọt chất béo bắt đầu hình thành trong tế bào gan. Một số loại thực phẩm giàu fructose bao gồm: mật ong, đồ chế biến sẵn, nước ngọt, hoa quả...
Trước năm 1980, các bác sĩ hiếm khi quan sát được hiện tượng tích tụ chất béo này. Nó sau này được định nghĩa là bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.
Cho tới nay, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu ảnh hưởng đến 30% người trưởng thành. Đáng chú ý căn bệnh này thường gắn liền với tiểu đường và béo phì. Khoảng 70% - 90% những người đã mắc béo phì hoặc tiểu đường loại 2 cũng sẽ mắc gan nhiễm mỡ, dù họ tiêu thụ đồ uống có cồn ở mức thấp.
Trên thực tế, các chuyên gia coi gan nhiễm mỡ không do rượu là một dấu hiệu của hội chứng chuyển hóa. Nghĩa là nó đứng trong hàng ngũ của các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch, tiểu đường loại 2, béo phì và đột quỵ.
Chế độ ăn nhiều đường tích tụ mỡ trong gan, có thể dẫn đến viêm và xơ gan.
Sự tích tụ mỡ trong gan là hết sức âm thầm và khó nhận biết. Nó không biểu hiện ra bên ngoài như mỡ trên các bộ phận khác của cơ thể. Một nghiên cứu năm 2012 trong tạp chí American Journal of Clinical Nutrition chỉ rõ điều đó. Những người ăn thừa tới 1.000 calo thực phẩm có đường mỗi ngày (so với mức thông thường của họ) trong 3 tuần chỉ tăng 2% trọng lượng cơ thể. Mặc dù vậy, lượng mỡ trong gan đã tăng lên đến 27%.
Và bởi một sự liên kết khá chặt chẽ, khi họ giảm cân nặng, lượng mỡ trong gan sẽ được trả về mức bình thường. Nhưng nếu không được phát hiện sớm, gan có thể bị viêm. Lúc này, nó được gọi là viêm gan nhiễm mỡ không do rượu.
Nếu vết viêm phát triển đủ nặng, nó sẽ biến các mô khỏe mạnh của gan thành mô sẹo và mất chức năng. Nhiều hoạt động chuyển hóa quan trọng của gan sẽ bị giảm sút. Chính xác, lúc này bạn phải đối mặt với xơ gan.
Thật bất ngờ khi nhiều người nghĩ xơ gan chỉ xảy ra ở những người nghiện rượu. Bây giờ, bạn đã biết rằng nó còn đến từ một chế độ ăn uống tiêu thụ quá nhiều đường. Chưa hết, gan nhiễm mỡ sẽ khiến nó đề kháng với các hoạt động của insulin.
Điều này rất nguy hiểm khi insulin không thể kích hoạt cho gan hoạt động để chuyển hóa đường trong máu. Một mặt, lượng đường tích tụ gây tiểu đường loại 2. Mặt khác, tuyến tụy sẽ tiết ra nhiều insulin hơn để đốc thúc gan làm việc. Mức insulin cao khiến cơ thể béo và tăng cân. Tụy hoạt động quá mức cũng sẽ bị tổn hại.