'Không nơi nào động vật hoang dã giảm nhanh như ở VN'

Những con khỉ quý trở thành "thuốc bổ" như thế này. (Ảnh: WWF)

Cứ 2 người dân Hà Nội thì có 1 người đã và đang tiêu thụ các loài động vật hoang dã. Người càng nhiều tiền càng tiêu thụ mạnh, và ăn "đặc sản" đang trở thành mốt, thành biểu tượng cho địa vị của tầng lớp cán bộ công chức và giới doanh nhân.

Đây là kết quả ban đầu rút ra từ cuộc khảo sát của tổ chức TRAFFIC trên 2.000 hộ dân ở Hà Nội, vừa được công bố chiều nay. 

Việt Nam là quốc gia có đa đạng sinh học đứng thứ 16 trên thế giới, với trên 75 loài duy nhất chỉ nước ta mới có.

Khảo sát lần đầu tiên thực hiện ở Việt Nam đã tìm thấy phần lớn người dân Hà Nội không biết đến các quy định cơ bản về việc bảo vệ những loài bị đe doạ và môi trường sống của chúng tại Việt Nam. Mặc dù đa số biết đến khái niệm tuyệt chủng, song họ đều nghĩ rằng những loài động, thực vật quý hiếm đang suy giảm là do bị săn bắn, bị mất nơi cư trú... chứ chẳng liên quan gì đến việc họ "ăn đặc sản" hay dùng chúng làm thuốc bổ, đồ trang sức...

Một xu hướng rõ ràng được tìm thấy là người càng nhiều tiền, địa vị càng cao thì sử dụng càng nhiều động vật hoang dã. Nếu như chỉ có chưa đầy 3% những người có mức lương dưới 1 triệu đồng "dám" mạnh tay tiêu dùng các đặc sản cao cấp, thì con số này ở những người có thu nhập từ 1 đến 5 triệu đồng là 64%. Người có trình độ trên đại học chiếm đến 39% trong các cuộc nhậu đặc sản, trong khi nhóm có trình độ từ phổ thông cơ sở trở xuống chỉ là 6%. Đặc biệt, giới công chức và doanh nhân đang ngày càng chiếm ưu thế trong nhóm tiêu thụ này, và xem chúng như là biểu hiện cho "đẳng cấp" khi vào nhà hàng.

Bất chấp các lệnh cấm, nhiều người vẫn vô tư săn lùng cao hổ cốt, mật gấu, nhung hươu, sừng tê giác... để chữa bệnh hoặc làm đồ trang trí trong nhà. Các kết quả trên đều chứng tỏ việc tuyên truyền hoặc các quy định pháp lý lâu nay của Việt Nam về vấn đề này hầu như mới chỉ có ý nghĩa trên văn bản, chứ chưa tác động được tới người dân.

"Rất nhiều trong số các loài động vật hoang dã được tiêu thụ nhiều nhất tại Việt Nam lại nằm trong danh sách của Công ước buôn bán quốc tế các loài động thực vật có nguy cơ bị đe dọa (Công ước CITES) mà Việt Nam tham gia từ năm 1994, và được luật pháp Việt Nam bảo vệ", ông Sulma Warne, Điều phối viên của TRAFFIC Đông Nam Á, thông báo.

"Việc tiêu thụ các sản phẩm hoang dã đã trở nên nghiêm trọng nhất trong những thập kỷ gần đây khi kinh tế của người dân khá lên, gây phá huỷ hệ sinh thái, ảnh hưởng nặng nề đến các quần thể loài và đến môi trường", ông Warne nhấn mạnh.

Cuộc khảo sát trên đây chỉ là một phần của Dự án "Thay đổi hành vi - Giảm tiêu thụ các sản phẩm động thực vật hoang dã tại Hà Nội, Việt Nam", do Đan Mạch tài trợ, thực hiện từ năm 2005 đến 2007.

"Tuy đã có chế tài xử lý đối với những người tàng trữ, buôn bán... trái phép động thực vật hoang dã, nhưng Việt Nam chưa có chế tài xử phạt đối với người tiêu dùng các loại 'đặc sản' này", ông Nguyễn Văn Cương, phó cục trưởng Cục kiểm lâm Việt Nam.

Song song với cuộc khảo sát, WWF Chương trình Đông Dương cùng TRAFFIC cũng đã phát động một cuộc thi ý tưởng sản xuất phim quảng cáo từ nay đến tháng 5, mà người tham gia là tất cả học sinh trung học phổ thông tại Hà Nội. Theo đó, mỗi bài thi phải gồm 2 phần, miêu tả và giải thích ý tưởng của một quảng cáo dài 30 giây, nêu bật được khẩu hiệu "Đừng đánh đổi sự sống thiên nhiên để thoả mãn nhu cầu của bạn".

3 ý tưởng hay nhất sẽ được trao giải, phần thưởng là một máy quay kỹ thuật số Canon. Tác giả của ý tưởng sẽ được tham dự một khoá tập huấn về sản xuất phim vào tháng 6, do nhà làm phim Mỹ giảng dạy. Sau khoá học, các em sẽ tự tuyển chọn diễn viên, quay phim. Sau khi hoàn thiện, 3 quảng cáo này sẽ được phát trên VTV nhiều lần trong năm tới. Thể lệ cuộc thi xem chi tiết trên website http://www.wwfindochina.org/news%2Binfo/news.htm

Một đường dây nóng cũng được thiết lập tại Chi cục Kiểm Lâm Hà Nội, số điện thoại 04 -932-3333. Bất cứ ai bắt gặp hành vi buôn bán, tàng trữ, tiêu thụ động vật hoang dã trái phép đều có thể gọi đến số điện thại này để Chi cục điều tra và giải quyết.

Tại các trường Đại học, WWF cũng sẽ tổ chức các câu lạc bộ, diễn đàn để cảnh báo về tình trạng tiêu thụ trái phép động vật hoang dã.

"Không nơi nào mà các quần thể hoang dã lại bị suy giảm với tốc độ đáng báo động như ở Việt Nam, tất cả đều do buôn bán và tiêu thụ trái phép", ngài Eric Coull, Trưởng đại diện của WWF Greater Mekong phát biểu. Và để Việt Nam đừng trở thành "khoảng trắng" về các sinh vật quý hiếm, cần có sự góp tay của mỗi người, mà trước hết là ngừng ăn thịt các loài động vật hoang dã trái phép.

Thuận An

Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video