Không phải Tom Cruise, đây mới là chiến binh samurai phương Tây đầu tiên trong lịch sử

Ít ai biết rằng, hình tượng samurai người phương Tây đều ít nhiều lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật của William Adams, một thủy thủ người Anh.

Năm 1975, James Clavell đã xuất bản một series tiểu thuyết mang tựa đề Á Quốc Truyền Kỳ. Ấn phẩm đầu tiên – Shogun, lấy bối cảnh về đất nước Nhật Bản thời kỳ phong kiến và xoay quanh câu chuyện của John Blackthorn – thương gia người Anh đầu tiên của xứ sở mặt trời mọc.

Cuốn sách ấy đã bán chạy đến mức, Clavell được đầu tư sản xuất hẳn một chương trình truyền hình vào năm 1980, cùng sự góp mặt của hai ngôi sao cực đình đám thời bấy giờ là Richard Chamberlain và Yoko Shimada. Với tổng độ dài lên tới hơn 9 tiếng đồng hồ, series này được chia thành những tập nhỏ để phát vào các buổi tối.

Bộ phim dài tập cũng đã gặt hái được một số thành công nhất định, thế nhưng có điều mà ít người biết, đó là cả cuốn tiểu thuyết lẫn phim truyền hình đều lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật của thủy thủ người Anh có tên William Adams.

Câu chuyện tình giữa chàng võ sĩ đạo tới từ Tây Phương và nàng Mariko (nhân vật doYoko Shimada thủ vai), cùng với một số ngoại truyện khác, đã được tác giả và biên kịch thêu dệt để giúp series phim trở nên lôi cuốn hơn.

Sinh ra ở thành phố Gillingham, hạt Kent, Adams đã học được những kỹ năng đóng thuyền từ khi còn rất nhỏ. Có sẵn tố chất, sau này ông đã trở thành một tay thủy thủ lão luyện và được lực lượng Hải quân Hoàng gia Anh chiêu mộ từ sớm. Ông cũng đã góp công rất lớn trong công cuộc đánh bại Hạm đội Tây Ban Nha, dưới sự chỉ huy trực tiếp của ngài Francis Drake hồi năm 1588.

Năm 1600, Công ty Đông Ấn Hà Lan đã cho một đoàn thám hiểm thực hiện một cuộc viễn chinh đến Nhật Bản, Adams đã được chọn để làm chỉ huy của một con tàu. Thời tiết xấu khiến cho việc đi lại trên biển trở nên cực kỳ khó khăn, và một cơn bão đã cuốn đoàn thủy thủ của Adams ra khỏi quỹ đạo di chuyển. Thuyền của ông đã bị đánh dạt vào bờ phía Đông của đảo Kyushu, nằm ở phía Tây Nam của xứ sở hoa anh đào. Điều đáng nói là trong đoàn thám hiểm, chỉ duy nhất tàu của Adams là đến được địa phận Nhật Bản.

Vào thời điểm ấy, ở Nhật đang diễn ra những cuộc chiến khốc liệt giữa các bè phái để tranh giành đất đai và quyền lực. Các thầy tu Dòng Tên của Bồ Đào Nha đã đặt chân đến đây từ trước và đã có địa vị chắc chắn đối với người dân Nhật. Họ không chỉ mang đến một tôn giáo mới, mà còn cả những loại vũ khí sử dụng thuốc súng mạnh mẽ. Họ muốn chiếm lấy Nhật Bản bằng hỏa lực.

Ngay khi Adams xuất hiện, các thầy tu đã coi ông là một cái gai trong mắt, bởi người trị vì của nước Anh thời bấy giờ là Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhất – con gái của vua Henry VIII – người đã bác bỏ thần học Công giáo và tự nhận mình là nhà lãnh đạo tối cao của giáo hội tại Anh.

Chính vì vậy, họ buộc tội Adams là cướp biển, ra lệnh xử tử ông và toàn bộ thủy thủ đoàn. Họ bị áp giải đến lâu đài Osaka và giam giữ ở đó suốt một thời gian dài.

Ieyasu cho triệu hồi Adams lên và chất vấn ông về mục đích đến Nhật Bản với sự trợ giúp của phiên dịch là một mục sư Dòng Tên. Sợ tên thầy tu xuyên tạc lời nói và truyền đến Lãnh chúa những điều bịa đặt, Adams liền giật cây thánh giá trên cổ hắn và dẫm nát nó.

Sau nhiều lần gặp gỡ, Ieyasu tỏ ra rất hứng thú với Adams, và cho rằng kỹ năng đóng thuyền cũng như kinh nghiệm chiến đấu lâu năm của ông chắc chắn sẽ giúp ích cho quân đội của ông. Năm 1603, khi vị Daimyō này được phong lên làm Shogun, Adams cũng trở thành cánh tay phải đắc lực của ông.

Nhận định của Ieyasu là rất chính xác: Adams đã dạy binh lính Nhật cách đóng thuyền theo kiểu phương Tây, cũng như chỉ cho họ về địa lý và cách định hướng trên biển. Cũng trong thời gian này, ông đã thuần thục tiếng Nhật và làm quen được với văn hóa của quốc gia này.

Bằng tài năng và sự cống hiến, ông đã được phong rất nhiều đất đai ở tỉnh Sagami, kèm theo đó là quyền diện kiến Tướng quân bất cứ khi nào muốn.

Adams sau đó được đặt tên Nhật là Anjin – nghĩa là thuyền trưởng. Ngoài ra, thủy thủ đoàn của ông cũng được ban rất nhiều bổng lộc và được cấp phép giao thương trên danh nghĩa là cư dân Nhật Bản. Đến năm 1605, toàn bộ thủy thủ đoàn được phép trở về quê hương, nhưng Adams lại có suy nghĩ khác.

Adams được ban cho hai thanh kiếm và phong chức vị Samurai – một vinh dự có một không hai đối với người ngoại quốc tại đất nước Mặt Trời mọc. Để trở thành một Samurai thực thụ đối với người dân Nhật Bản không phải là chuyện dễ dàng, bởi những võ sĩ đạo phải trải qua quá trình khổ luyện khắc nghiệt và quan trọng nhất là phải được sinh ra trong một gia đình giàu có để có thể theo học những ngôi trường huấn luyện đặc biệt.

Mặc dù Adams đã có vợ con ở Anh và vẫn thường xuyên gửi trợ cấp về cho gia đình nhưng trong mắt Ieyasu, William Adams đã chết: đứng trước mặt vị Shogun là Miura Anjin, một trong những Samurai tinh nhuệ nhất phục vụ cho Shogun.

Sau này, Adams đã tái hôn với một người phụ nữ bản địa mang tên Oyuki và sinh ra một bé trai cùng một bé gái. Cũng có tài liệu ghi lại rằng ông lấy thêm cả vợ bé và có thêm một người con nữa.

Vị Samurai phương Tây này thậm chí còn được trao quyền giao thương với các quốc gia Đông Nam Á và cả quân Hà Lan, quân Anh nữa. Sau 15 năm sinh sống trên "đất khách quê người," Adams cảm thấy "dòng máu Nhật Bản" chảy trong mình còn mãnh liệt hơn cả gốc gác Anh Quốc. Ông đã coi đây như quê hương thứ hai của mình. Năm 1613, Ieyasu tiếp tục cho phép ông trở về Anh nhưng Adams lại lựa chọn gắn bó với Nhật Bản đến hết đời mình.

Ieyasu mất năm 1617, người kế vị là con trai thứ 3 của ông - Hidetada. Và mặc dù Adams không còn được trọng dụng như trước, ông vẫn được phép thực hiện những cuộc giao thương và giữ cương vị Samurai.

Adams mất ở Hirado vào tháng 5/1620, hưởng thọ 55 tuổi. Ông được chôn cất tại thành phố Nagasaki. Mặc dù quyết định không quay về Anh nhưng Adams vẫn để lại nửa gia tài của mình cho gia đình cũ, còn nửa còn lại cho mái ấm bên Nhật.

Giám đốc của Công ty Đông Ấn Anh Quốc – Richard Cocks, vẫn giữ liên lạc với gia đình bên Nhật của Adams và trao cho con trai của ông – Joseph, thanh kiếm Samurai mà Ieyasu đã ban cho cha cậu ngày nào.

Vị Shogun mới là Hidetada đã trao toàn bộ quyền lực của Adams cho con trai ông – người vẫn tiếp tục giữ cái tên Miura Anjin. Ông tiếp tục làm thực hiện giao thương cho Nhật Bản đến năm 1635 – khi Hidetada quyết định "bế quan tỏa cảng".

Sau thời gian này, không còn ghi chép nào về con cháu của Adams nữa, nhiều người suy đoán rằng họ đã sống một cuộc sống trầm lặng ở Nhật Bản đến hết đời.

Cập nhật: 09/04/2019 Theo Trí Thức Trẻ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video