Tiếp đó, các công ty tư nhân cũng thực hiện nhiều thử nghiệm trên bình diện hạn chế hơn, nhưng vẫn không tiến bộ gì, mặc dù lúc đầu nhiều người tin rằng có thể xoá được những đám mây đen ngay từ khi chúng mới thai nghén trong bầu khí quyển.
"Điều đó không khác gì với việc cố di chuyển một chiếc xe hơi bằng ống thổi. Năng lượng tiềm ẩn trong một cơn bão biển mạnh hơn nhiều so với những gì chúng ta có thể tích luỹ được", Matthew Kelsch thuộc Trung tâm quốc gia nghiên cứu khí quyển tại Boulder (Mỹ) nhận định.
Chương trình nghiên cứu đánh lệch hướng bão đã được đề ra ngay từ thời Tổng thống Eisenhower, có tên Dự án Stormfury, sau khi một số cơn bão lớn đánh vào duyên hải miền đông nước Mỹ giữa thập kỷ 1950, giết chết 749 người và làm thiệt hại nhiều tỷ đôla.
Nhưng phải tới năm 1961, các cuộc thử nghiệm đầu tiên mới được xúc tiến với bão Esther. Các nhà khoa học đã dùng một máy bay hải quân rải các tinh thể iod bạc. Một số báo cáo sau đó cho biết sức gió đã suy giảm từ 10% đến 30%.
Trong dự án Stormfury, các nhà khoa học cũng rải tinh thể iod bạc lên các cơn bão năm 1963, 1969 và 1971 trên vùng biển Đại Tây Dương, cách xa đất liền. Iod bạc - hoá chất đóng vai trò là nhân băng - được rắc lên các đám mây ngay bên ngoài mắt bão. Ý tưởng của họ là một vành mây mới sẽ được hình thành xung quanh nhân của các hạt băng nhân tạo. Vành mây này sẽ làm thay đổi kiểu hình mưa, hình thành nên một mắt bão mới và phá huỷ mắt bão cũ. Cơn bão được điều chỉnh sẽ quay chậm hơn và do đó ít nguy hiểm hơn.
Đôi khi, các thí nghiệm đã tỏ ra hiệu quả. Cơn bão Debbie năm 1969 được rắc tinh thể 2 lần trong vòng 4 ngày nhờ một vài chiếc máy bay. Các nhà nghiên cứu ghi nhận cường độ của nó đã giảm tới 30%.
Để việc rắc iot bạc lên mây thành công, các đám mây buộc phải có một lượng đáng kể những hạt nước cực lạnh song vẫn ở trạng thái lỏng ngay ở nhiệt độ dưới 0 độ C. Giọt nước mưa sẽ hình thành khi các nhân băng nhân tạo và hạt nước cực lạnh kết hợp với nhau.
Song các nhà khoa học nhận thấy những cơn bão nhiệt đới (hurricane) chứa ít giọt nước cực lạnh hơn các đám mây bão thông thường, vì thế việc rắc tinh thể là không đáng tin cậy. Điều này khiến cho người ta không thể xác định được cơn bão giảm cấp là do tự thân nó hay là kết quả can thiệp của con người. Chính vì thế, Dự án Stormfury đã bị ngừng lại vào thập kỷ 1980 sau khi tiêu tốn hàng triệu đôla.
Những giải pháp khác nhằm điều chỉnh bão cũng đã được tính đến, như làm lạnh vùng biển nhiệt đới bằng các khối băng, và rắc các hạt hoặc màng phim trên mặt biển để kiềm chế bão hình thành từ nước nóng bốc hơi trên biển. Đôi khi, một số người còn đề nghị cho nổ một quả bom hạt nhân để xé tan cơn bão.
Song, các nhà nghiên cứu cho biết bão nhiệt đới biến tất cả những giải pháp trên thành "chú lùn". Chẳng hạn, với đường kính lên 600 kilomét, cần bao nhiêu băng đá mới hoá giải được cơn bão Rita! Hoặc trái bom nào vô hiệu hoá được năng lượng tương đương 50-200 nghìn tỷ watt? Nếu cần dùng đến bom nguyên tử để lấn át, thì con người phải cho nổ một trái bom hạt nhân 10 megaton cứ mỗi 20 phút.
T. An (theo AP)