Tình cờ kiểm tra bức ảnh vệ tinh về đường bờ biển Croatia, nhà khoa học phát hiện ra điều bất thường về một khu định cư khoảng 6.000 năm tuổi.
Đáy biển và đại dương trên được coi là bảo tàng lớn nhất của thế giới, với chưa đến 1% đáy đại dương được khảo sát cho đến nay. Phát hiện mới của các nhà nghiên cứu tại vùng biển Croatia gây bất ngờ.
Tàn tích về khu định cư 6.000 năm tuổi dưới vùng nước sâu ở Croatia.
Nhà khảo cổ Mate Parica, giáo sư tại Đại học Zadar, đang kiểm tra các bức ảnh vệ tinh về đường bờ biển của Croatia thì phát hiện ra điều gì đó bất thường.
Hình ảnh cho thấy một khu vực rộng lớn, nằm dưới đáy biển, phía đông đảo Korcula. Giáo sư Mate Parica và các đồng nghiệp đã quyết định lặn xuống địa điểm nghi vấn và vô cùng bất ngờ khi phát hiện ra một khu định cư thời đồ đá mới từ khoảng 4.500 năm trước Công nguyên.
Những căn nhà xây dựng trên một mảnh đất nhỏ, nối với đảo chính bằng một dải hẹp. Nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra phần còn lại của những bức tường đá bao quanh khu định cư cùng nhiều công cụ, đồ vật khác mà cư dân từng sử dụng.
Vị trí của khu định cư rất bất thường.
Mate Parica cho biết: "Chúng tôi tìm thấy một số đồ vật bằng gốm và những con dao bằng đá lửa".
Marta Kalebota, người quản lý bộ sưu tập khảo cổ trong bảo tàng thị trấn Korcula, cho biết vị trí của khu định cư rất bất thường.
Khu vực định cư trên đảo là điều không điển hình vì những phát hiện về đồ đá mới chủ yếu nằm trong các hang động.
Mate Parica nói: "Điều may mắn là khu vực này khác với những vùng Địa Trung Hải, khá an toàn, ít ảnh hưởng bởi những cơn sóng lớn vì xung quanh có nhiều hòn đảo bảo vệ bờ biển. Do vậy, giúp nó tồn tại được lâu trước sự phá hủy của tự nhiên".
Trước đây, các nhà khoa học từng phát hiện tàn tích về thành phố Pavlopetri, Hy Lạp đã chìm xuống nước hơn 3.000 năm. Thị trấn tồn tại trên mặt đất trong 2.000 năm trước khi nó có thể bị đánh chìm do động đất. Đường phố, tòa nhà và lăng mộ bị xói mòn theo thời gian nhưng vẫn có thể nhìn thấy được.