Một nghiên cứu mới cho thấy, một số khủng long đã chết dần trong 12 triệu năm cuối cùng của kỷ Phấn trắng (cách đây khoảng 150 triệu năm), rất lâu trước khi thiên thạch tấn công trái đất.
Cuộc “viếng thăm” không mong đợi và mang tính “hủy diệt hàng loạt” của thiên thạch cách đây 65,5 triệu năm có thể chỉ là một trong nhiều tác nhân dẫn đến sự tuyệt chủng của loài khủng long.
“Tôi nghĩ cuộc nghiên cứu của chúng tôi làm rõ thực tế là chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phải vượt qua trước khi có thể hiểu hoàn toàn về sự tuyệt chủng của khủng long”, trưởng nhóm nghiên cứu Stephen Brusatte thuộc Đại học Columbia (Mỹ) nói với trang tin Discovery.
Theo ông Brusatte, có một số điều chúng ta biết chắc về khủng long, đó là một thiên thạch hoặc sao chổi đã va vào trái đất cách đây khoảng 65,5 triệu năm, ngay khi khủng long hoàn toàn biến mất khỏi dữ liệu hóa thạch.
Khủng long bạo chúa
Chúng ta cũng biết rằng có hoạt động núi lửa mạnh và những thay đổi lớn về mặt nước biển vào thời điểm đó. Ít nhất một số nhóm khủng long đang kinh qua những sự suy giảm dài hạn về đa dạng sinh học trong 12 triệu năm cuối cùng của kỷ Phấn trắng, ít nhất ở Bắc Mỹ.
Cuộc nghiên cứu mới cung cấp cái nhìn đầu tiên về sự tuyệt chủng của khủng long dựa trên sự chênh lệch về hình thái học, nghĩa là sự biến động của cấu trúc cơ thể trong một nhóm khủng long nhất định. Sự biến động trong một loài càng lớn, dân số loài đó càng khỏe mạnh.
Các nghiên cứu trước đây luôn dựa trên những ước tính về sự thay đổi về số loài khủng long qua thời gian, nhưng điều đó có thể bị tác động bởi việc lấy mẫu không đều trong dữ liệu hóa thạch. Chẳng hạn, một số cấu tạo địa chất có xu hướng bảo quản khủng long tốt hơn những cấu tạo khác.
Trong cuộc nghiên cứu của mình, Brusatte và các cộng sự đã tính toán những sự khác biệt về kích cỡ thân hình của 7 nhóm khủng long lớn bằng cách sử dụng những cơ sở dữ liệu bao gồm các đặc điểm bao quát về cấu trúc khung xương của gần 150 loài khác nhau.
Họ phát hiện ra rằng những loài ăn cây cỏ thân hình lớn chết dần một thời gian lâu trước các thảm họa thiên nhiên cách đây 65,5 triệu năm. Những con thuộc diện này là khủng long mỏ vịt (hadrosaur) và khủng long ăn cỏ (ceratopsid).
Trái lại, những loài ăn cây cỏ nhỏ hơn như khủng long bọc giáp đuôi chùy (ankylosaur) và khủng long đầu rồng (pachycephalosaur); loài ăn thịt như khủng long bạo chúa (tyrannosaur), khủng long đầu nhỏ (coelurosaur); và loài khủng long ăn cây cỏ có thân hình lớn nhưng không có khả năng nhai cấp cao như sauropod vẫn ổn định trong cùng thời gian.
Trong khi sự tuyệt chủng của các loài khủng long lớn vẫn còn là một bí ẩn với giới nghiên cứu, ông Brusatte tin rằng một “biến cố nào đó” đã xảy ra với các loài khủng long ăn cây cỏ lớn vào cuối kỷ Phấn trắng, ít nhất ở Bắc Mỹ. Ông nói: “Có lẽ đó là việc các môi trường địa phương đang trong cơn biến động do những thay đổi về mực nước biển và sự hình thành núi trong thời gian đó”.
Chuyên gia này giải thích rằng những loài ăn cây cỏ có thể chịu tác động của một khu vực đất đai đang thay đổi trước nhất do chúng đứng ở phần cuối của chuỗi thức ăn. Theo logic này, các nhóm khủng long đứng ở vị trí cao hơn trong chuỗi thức ăn hẳn sẽ bắt đầu chết dần vài triệu năm sau đó.
Brusatte đồng ý rằng phát hiện của ông và các cộng sự không phải là không thể tranh cãi, nhưng chí ít người ta có thể hình dung giai đoạn cuối của kỷ Phấn trắng không phải là một “thế giới bị mất” bất thình lình bị hủy diệt bởi một cơn chấn động do thiên thạch gây ra.
“Thay vào đó, những con khủng long sống trong thời gian này đang trải qua những thay đổi lớn trước khi bị thiên thạch tấn công”, ông nhấn mạnh.