Những cư dân trên quần đảo Solomon thuộc Thái Bình Dương có nước da đen nhất nếu không tính người châu Phi. Tuy nhiên, mái tóc họ lại màu vàng hoe giống người châu Âu. Giờ đây, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một gene tạo nên đặc điểm khác biệt này.
Một biến thể gene đã tạo nên phân nửa biến đổi màu tóc của người dân nơi đây, bài báo của các nhà khoa học vừa được đăng trên tạp chí Science giải thích. Điều ngạc nhiên nhất là biến thể gene này có vẻ đã xuất hiện ở vùng Thái Bình Dương, chứ không phải bắt nguồn từ việc người châu Âu kết hôn với người dân trên đảo.
Nhà nghiên cứu Eimear Kenny ở Trường Y thuộc ĐH Stanford (Mỹ) và đồng nghiệp đã tới quần đảo Solomon để cộng tác cùng GS. Sean Myles - người từng khám phá ra rằng rất nhiều cư dân ở đây có màu tóc vàng hoe như người châu Âu.
Một em bé có làn da đen và mái tóc hoe ở quần đảo Solomon. (Nguồn: Livescience)
Các nhà nghiên cứu thu thập mẫu nước bọt của 43 người tóc vàng và 42 người tóc đen trên quần đảo đẻ phân tích mẫu gene đằng sau màu tóc kỳ lạ này.
Kết quả phân tích gene cho thấy hiện tượng đáng kinh ngạc rằng, rất hiếm khi có chuyện một đặc điểm đơn nhất lại chịu ảnh hưởng của ít nhất hàng chục gene. Một gene mang tên TYRP1 trên nhiễm sắc thể thứ 9 của 23 cặp nhiễm sắc thể trong con người chính là nguyên nhân tạo ra 46,4% biến đổi màu tóc của cư dân trên đảo. Biến thể gene này tác động lên một enzyme có vai trò hình thành màu da của con người.
Biến thể gene đó không xuất hiện trong bộ gene của người châu Âu, khi đem so sánh với kết quả phân tích các bộ gene của 52 cộng đồng dân cư khắp thế giới đã được thực hiện trước đây. Thay vào đó, biến thể gene này có vẻ đã xuất hiện độc lập và tồn tại trong cộng đồng người Melanesia.
Vì thế, những người tóc vàng ở quần đảo Solomon không có đôi mắt xanh như người châu Âu. Gene tạo ra mắt xanh có nguồn gốc từ một tổ tiên duy nhất sống cách đây 6.000 - 10.000 năm. Trước thời gian đó thì không một ai có màu mắt xanh.
Tham khảo: Livescience