Kim tự tháp mới được phát hiện đặc biệt hơn vì nó gắn liền với một truyền thuyết nổi tiếng của Trung Quốc.
"Thương hiệu" kim tự tháp đã được gắn với Ai Cập trong suy nghĩ của nhiều người. Trên thực tế, có những kim tự tháp hay tàn tích kim tự tháp ở nhiều nơi trên thế giới. Ví dụ, kim tự tháp Chichen Itza ở Mexico là di tích của văn hóa Maya; kim tự tháp Setius ở Ý và kim tự tháp Kohl ở Campuchia nằm sâu trong rừng rậm.
Đây chỉ là một phần nhỏ của các kim tự tháp trên thế giới. Ngoài ra ở Trung Quốc, các kim tự tháp cũng được tìm thấy tại Di chỉ Văn hóa Hồng Sơn.
Văn hóa Hồng Sơn có nguồn gốc từ Nội Mông, là một trong những "cái nôi" của nền văn minh Trung Quốc cách đây khoảng 6000 năm. Nó được phát hiện vào năm 1921. Nền văn hóa Hồng Sơn có trình độ thủ công điêu khắc ngọc bích phát triển.
Mới đây, tại Di chỉ Văn hóa Hồng Sơn người ta phát hiện một công trình kim tự tháp kỳ lạ, khiến giới khảo cổ học quốc tế ngạc nhiên. Tại sao kim tự tháp lại có mặt ở Trung Quốc?
Bề ngoài, nó là một ngọn núi đất, nhưng sau khi khai quật người ta phát hiện ra đây là công trình do con người xây dựng. Nếu chỉ tính riêng phần trên mặt đất, đường kính của nó ước tính gần 40 mét và chiều cao là 16 mét. Núi đất này được bao bọc bởi hai vòng đá tảng, đường kính của vòng đá bên ngoài khoảng 100 mét, đường kính của vòng tròn đá bên trong là 60 mét.
Phía trên của công trình là một đỉnh hình nón, bao gồm 3 vòng tròn đá, khoảng cách giữa mỗi vòng tròn là 10 mét và chiều cao của các viên đá là 1 mét. Trên đỉnh núi đất, giữa các vòng đá, có hơn 30 ụ đá xếp chồng lên nhau. Về bố cục và hình dáng, nó rất giống các kim tự tháp của Ai Cập, nên còn được gọi là kim tự tháp của Trung Quốc.
Di tích kim tự tháp được tìm thấy ở Di chỉ Văn hóa Hồng Sơn. (Ảnh: Sohu)
Các kim tự tháp của Ai Cập là lăng mộ của các Pharaoh.
Vậy chính xác thì các kim tự tháp ở Trung Quốc được sử dụng để làm gì? Có quan điểm cho rằng đây là địa điểm luyện đồng. Lý do rất đơn giản, khi mới phát hiện, trên đỉnh núi người ta đã tìm thấy 1.500 chiếc ấm chén bằng đồng đỏ.
Để bảo vệ lò luyện đồng, người ta đã chôn tất cả đồ dùng và dùng đất lấp kín. Tuy nhiên, quan điểm khác lại cho rằng nếu đơn thuần chỉ là để luyện đồng thì không cần tốn nhiều công sức để tạo ra một công trình lớn như vậy. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng nó phải có những công dụng khác.
Có người cho rằng đây là cổ mộ của hoàng gia, nhưng quy mô lăng mộ sẽ không nhỏ như vậy, đồng thời cũng không có ai luyện đồng trên mộ. Một số khác nhận định đó là bàn thờ cúng trời đất. Sau đó, chuyên gia cuối cùng đã tìm ra manh mối.
Cách đó 1 km, có một đền thờ với bức tượng nữ thần có kích thước như người thật. Dựa vào những đặc điểm của tượng và những ghi chép trong sách, mọi người tin rằng đây chính là Nữ Oa trong truyền thuyết.
Nói cách khác, đây là nơi thờ Nữ Oa tại Di chỉ Văn hóa Hồng Sơn. Những chiếc chén nung đồng có nét tương đồng với truyền thuyết Nữ Oa luyện đá vá trời trong truyện cổ tích.