Kinh hãi ốc lạ trên sông Thị Vải

Một loại ốc lạ đang xuất hiện trên sông Thị Vải và chuyên rỉa thịt tôm, cá trên sông. Nhiều chuyên gia được hỏi đã cho biết đây không phải “ốc lạ”, nhưng vẫn không xác định được chính xác đây là loại ốc gì.

Ông Nguyễn Văn Tháu, 67 tuổi, sống tại xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai than trời: “Gần nửa tháng nay, tôi không dám thả lưới tại khu vực cảng xi măng Cẩm Phả nữa...”.

Rỉa hết thịt tôm, cá

Sau gần bốn giờ thả lưới, kéo lên thấy con tôm tít trọng lượng khoảng hơn hơn một lạng (100 gam) mắc lưới, anh Cam Văn Thoại mừng thầm. Tuy nhiên, khi đưa lưới lại gần để gỡ, thấy đám ốc bám đầy trên thân tôm, anh nói ngay: “Chắc lại phải thả con tôm này xuống sông rồi”. Thấy mọi người không hiểu, anh chỉ đám ốc rồi phát cáu: “Mấy con ốc này hút hết thịt tôm rồi, không thả tôm xuống sông thì để làm gì”.


Một con tôm tít chỉ còn lại vỏ khi bị đám ốc lạ bám. (Ảnh: Thái Ngọc)

Có thâm niên đánh cá trên sông Thị Vải hơn 25 năm nay, anh Thoại cho biết: Trước đây không hề thấy loại ốc hút thịt cá, tôm, cua này. Chúng mới chỉ xuất hiện hơn một năm nay. Lão ngư Nguyễn Văn Tháu, có thâm niên hơn 50 năm đánh bắt cá trên con sông này, kể: Sau khi hành vi xả thải trộm của Vedan, cùng một số nhà máy khác ra sông Thị Vải bị phát hiện và yêu cầu ngưng xả, khoảng 3-4 tháng sau, cá đã có trở lại. Từ đầu năm 2010 đến nay, đã thấy có những con ốc lạ này xuất hiện lác đác ở đoạn sông khu vực cảng xi măng Cẩm Phả. Khoảng nửa năm trở lại đây, chúng sinh sôi nhiều vô kể. Từ đó, mỗi khi kéo lưới, thấy được tôm, cua, ghẹ, cá cũng mừng, nhưng lại thấy loại ốc trên bám đầy. Gỡ lưới, chỉ thấy tôm, cá... bắt được còn trơ xương và vỏ.

Không biết chắc ốc gì...

Ông Phạm Văn Miên, nhà sinh thái học thuộc Viện Môi trường và phát triển TP.HCM sau khi xem xét những con ốc lạ do phóng viên bắt đưa về, đã cho rằng đây không phải là loài mới. Theo ông, nó thuộc họ Buccinidae và giống Clea. Đây là giống ốc ăn thịt.

Giải thích về việc loài ốc trên chỉ sống nhiều ở đoạn sông gần khu vực cảng xi măng Cẩm Phả, ông Miên nói: có thể ở khu vực này, nước có độ mặn thích hợp và đáy sông có nhiều chất dinh dưỡng cho loài ốc trên.


Những con ốc hút tôm, cua, cá vừa gỡ ra từ lưới. (Ảnh: Thái Ngọc)

Trong khi đó, ThS Ngô Xuân Quảng, Trưởng phòng Công nghệ quản lý môi trường, thuộc Viện Sinh học nhiệt đới TP.HCM, nhà nghiên cứu về động vật đáy không xương sống vùng cửa sông, ven biển thì lại cho biết, loài ốc này có thể thuộc lớp Class Gastropoda, họ Nassariidac. Ông Quảng cũng cho biết thêm, tài liệu thế giới có nói về những con ốc này, nhưng rất ít. Còn tài liệu nghiên cứu của Việt Nam, ông chưa tìm thấy, hoặc cũng có thể đã có người nghiên cứu, nhưng chưa công bố nên không thể biết được.

Ông Quảng cũng nhận định tương tự như ông Miên khi cho rằng, có thể đây là loài ốc không mới, chúng chỉ mới xuất hiện gần đây là do trước kia, vùng sông Thị Vải chưa có điều kiện thuận lợi cho chúng phát triển. Hoặc, cũng có thể, đây là loài ngoại lai theo tàu thuyền đi vào khu vực này, gặp điều kiện thích hợp nên đã sinh sôi, nảy nở. Việc sông Thị Vải ô nhiễm nên phát sinh một loài ốc nguy hại là điều khó xảy ra.

TS Nguyễn Minh Niên, Phòng Nguồn lợi thủy sản, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II cũng đưa ra nhận định ban đầu, rất khó có khả năng đây là một loài ốc hoàn toàn mới. Riêng loài ốc ăn thịt cũng không phải là loài lạ với giới chuyên môn.

Mặc dù đưa ra nhiều phỏng đoán, nhưng cuối cùng, các nhà khoa học vẫn chưa thể biết đích xác danh tính loài ốc lạ xuất hiện trên sông Thị Vải, ít nhất là cho đến hôm nay...

Theo Đất Việt
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video