Các nhà khảo cổ học Ấn Độ đã tìm thấy pho mát halloumi có niên đại khoảng 2.600 năm tuổi được chứa trong các bình đất sét và trang trí bằng chữ Demotic.
Các nhà nghiên cứu làm việc tại một địa điểm ở tỉnh Giza của Ai Cập gần đây đã báo cáo một phát hiện đáng ngạc nhiên. Trong những chiếc bình đất sét cổ được trang trí bằng chữ viết Demotic - một dạng chữ viết của người Ai Cập cổ đại được tìm thấy trên Đá Rosetta nổi tiếng, họ tìm thấy những khối pho mát trắng có niên đại 2.600 năm.
Theo Egypt Today, pho mát được khai quật tại nghĩa trang Saqqara.
Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập cho biết, địa điểm này đặc biệt quan trọng vì nó chứa các di tích và lăng mộ từ nhiều thời đại khác nhau, các đền thờ từ Vương triều Pharaonic thứ 6, nhiều tượng động vật và hai tấm giấy papyri dài 32 feet (gần 10m).
Pho mát được đặt trong bình đất sét cổ được trang trí bằng chữ viết Demotic
Mohammad Youssef Oyan, Giám đốc Khu cổ vật Saqqara, giải thích rằng nhiều vật phẩm quý giá đã được để lại trong các ngôi mộ cổ như những lễ vật để đồng hành với người đã khuất ở thế giới bên kia. Trong trường hợp này, pho mát là một món đồ như vậy.
Pho mát cổ đại có từ khoảng Vương triều Ai Cập thứ 26, khoảng giữa năm 664 và 525 trước Công nguyên
Theo Ancient Origins, pho mát được xác định là halloumi, một loại pho mát truyền thống của người Síp được làm từ hỗn hợp sữa dê, cừu và đôi khi là sữa bò. Nó được biết đến với kết cấu tương tự như mozzarella. Halloumi hiện đại thường được làm hoàn toàn bằng sữa bò do có sẵn và giá thành rẻ.
Halloumi được cho là đã trở nên cực kỳ phổ biến ở các nền văn hóa phía Đông Địa Trung Hải. Lần đầu tiên nó được ghi lại trong một báo cáo vào thế kỷ 16 của du khách Italia đến Síp. Tuy nhiên, nguồn gốc thực sự của pho mát vẫn còn là một ẩn số.
Phát hiện mới đánh dấu lần thứ hai phát hiện ra pho mát cổ trong khu vực. Lần đầu tiên được khai quật trong một cuộc khảo cổ học vào năm 2018, và nó có niên đại 3.200 năm.
Khám phá ban đầu đó rất có ý nghĩa vì nó cung cấp bằng chứng đầu tiên về việc sản xuất pho mát của người Ai Cập cổ đại.
Enrico Greco của Đại học Catania cho biết: “Vật liệu được phân tích có lẽ là chất thải rắn khảo cổ cổ đại nhất từng được tìm thấy cho đến nay. Chúng tôi biết nó được làm chủ yếu từ sữa cừu và sữa dê, nhưng đối với tôi, thật khó để hình dung ra một hương vị cụ thể”. Tuy nhiên, vị giáo sư hóa học và nhà sử học về pho mát Paul Kindstedt nói với New York Times rằng pho mát có thể "thực sự chua".
Cùng với pho mát cổ đại, các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy dấu vết của vi khuẩn mà họ tin rằng có thể gây ra bệnh brucella, một bệnh truyền nhiễm do tiêu thụ các sản phẩm sữa chưa được khử trùng. Các triệu chứng của bệnh brucella bao gồm sốt, đổ mồ hôi và đau cơ, tương tự như bệnh cúm.
Căn bệnh này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, nhưng vi khuẩn cổ đại được tìm thấy trong ngôi mộ đánh dấu sự xuất hiện lâu đời nhất của căn bệnh này.
Kể từ năm 2018, các nhóm nghiên cứu tại nghĩa địa Saqqara đã khai quật được rất nhiều cổ vật và quan tài.
Nhóm nghiên cứu mới chỉ làm việc tại địa điểm Saqqara từ năm 2018, nhưng ngoài pho mát cổ đại, họ đã có nhiều khám phá quan trọng. Phát hiện lớn nhất cho đến nay là vào năm 2020, khi họ phát hiện ra hơn 100 quan tài từ thời Hậu kỳ được chôn trong giếng, vẫn còn trong tình trạng nguyên sơ.
Đồng thời, nhóm nghiên cứu cũng tìm thấy 40 bức tượng của Ptah Suker, vị thần của nghĩa trang Saqqara và 20 hộp gỗ của Horus, vị thần chiến tranh và bầu trời của Ai Cập.
Tính đến tháng 5/2022, 250 quan tài với xác ướp được bảo quản tốt đã được tìm thấy và trưng bày tại Saqqara.