Kính viễn vọng không gian Spitzer chụp được ảnh tinh vân trông như quái vật Godzilla

Kính viễn vọng không gian Spitzer của NASA gửi về Trái đất một bức ảnh tuyệt đẹp chụp đám mây khí bụi cách xa hàng nghìn năm ánh sáng.

Cũng như mây trong bầu khí quyển Trái đất, tinh vân hay các đám mây khí bụi ngoài không gian đôi khi có thể giống với những vật thể quen thuộc hoặc thậm chí là nhân vật trong phim truyện.

Hình ảnh mới được Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) của NASA công bố hôm 25/10 - chụp một tinh vân khổng lồ trong chòm sao Nhân Mã - gợi liên tưởng đến vua quái vật Godzilla, sinh vật hư cấu từng xuất hiện trong nhiều bộ phim bom tấn của Nhật Bản và Hollywood.


Tinh vân giống quái vật Godzilla trong chòm sao Nhân Mã. (Ảnh: NASA JPL)

Với một chút trí tưởng tượng, bạn có thể thấy các cụm sao và mây khí bụi ở phía trên bên phải hình ảnh tạo nên phần mắt và mõm của Godzilla, trong khi vùng sáng nổi bật ở góc dưới bên trái tạo nên cánh tay phải của sinh vật. Vùng sáng này là một "vườn ươm sao" có tên W33 cách chúng ta khoảng 7.800 năm ánh sáng.

Khi nhìn trong ánh sáng khả kiến, W33 gần như bị che khuất hoàn toàn bởi mây bụi. Tuy nhiên, ánh sáng hồng ngoại của nó - với bước sóng dài hơn những gì mắt người cảm nhận được - có thể xuyên qua các đám mây và hiện lên nổi bật trong quan sát của kính viễn vọng không gian Spitzer.

Trong hình ảnh này, màu xanh lam, lục lam, xanh lục và đỏ được sử dụng để biểu thị các bước sóng khác nhau của ánh sáng hồng ngoại; màu vàng và trắng là sự kết hợp của các bước sóng đó. Màu xanh lam và lục lam đại diện cho bước sóng do những ngôi sao phát ra. Bụi cùng các phân tử hữu cơ được gọi là hydrocacbon có màu xanh lục, trong khi màu đỏ đại diện cho bụi bị đốt nóng bởi các ngôi sao hoặc siêu tân tinh.

Khi những ngôi sao lớn sụp đổ và phát nổ thành siêu tân tinh, chúng định hình lại các vùng không gian xung quanh. Sự kiện mãnh liệt này cũng đẩy vật chất lại với nhau, dẫn đến sự ra đời của những ngôi sao mới.

Kính viễn vọng không gian Spitzer đã "nghỉ hưu" từ tháng 1/2020, nhưng các nhà thiên văn học vẫn tiếp tục khai thác bộ dữ liệu khổng lồ của nó để tìm kiếm thông tin mới về vũ trụ.

Cập nhật: 29/10/2021 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video