Kính viễn vọng vô tuyến Mặt trời Daocheng (DSRT) trên cao nguyên Thanh Tạng bắt đầu thử nghiệm nghiên cứu Mặt trời hôm 14/7.
Kính viễn vọng Daocheng do Trung tâm Khoa học Vũ trụ Quốc gia (NSSC) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc phát triển, nằm trong Dự án Meridian giai đoạn 2 của nước này. Năm 2008, Trung Quốc khởi động Dự án Meridian - mạng lưới giám sát gồm 31 trạm mặt đất - để nghiên cứu thời tiết không gian và tìm hiểu quá trình tạo ra những sự kiện thời tiết dữ dội.
Kính viễn vọng vô tuyến Mặt trời Daocheng bắt đầu hoạt động thử nghiệm hôm 14/7. (Ảnh: China Media Group).
Daocheng là kính viễn vọng lớn nhất trên thế giới chuyên nghiên cứu Mặt trời và ảnh hưởng của Mặt trời đến Trái đất, hoàn thành quá trình xây dựng vào tháng 11/2022. Hệ thống này có khả năng giám sát các hoạt động Mặt trời một cách liên tục và ổn định với chất lượng cao. NSSC cho biết, các khả năng quan sát của Daocheng, ví dụ phát hiện sao xung, đã được kiểm chứng sau nửa năm sửa lỗi và kiểm tra.
Nằm ở rìa cao nguyên Thanh Tạng, phía tây nam tỉnh Tứ Xuyên với độ cao hơn 3.800 m so với mực nước biển, kính viễn vọng vô tuyến Daocheng gồm 313 ăng-ten parabol rộng 6 m xếp thành vòng tròn chu vi 3,14 km bao quanh tháp hiệu chuẩn cao 100 m ở trung tâm. Daocheng hoạt động ở dải tần 150 - 450 megahertz để thu hình ảnh với độ chính xác cao về các hoạt động như lóa Mặt trời hay phun trào nhật hoa. Ngoài ra, kính viễn vọng này cũng giúp tìm hiểu những phương pháp theo dõi sao xung, chớp sóng vô tuyến và tiểu hành tinh.
"Chúng ta đang bước vào thời kỳ hoàng kim của thiên văn học Mặt trời vì có nhiều kính viễn vọng Mặt trời lớn đang hoạt động", Maria Kazachenko, nhà vật lý Mặt trời tại Đại học Colorado, Boulder, nhận xét.
Các đài quan sát ở Trung Quốc sẽ cung cấp dữ liệu quan trọng về hoạt động Mặt trời mà kính viễn vọng ở những múi giờ khác không thể nhìn thấy, theo Ding Mingde, nhà vật lý Mặt trời tại Đại học Nam Kinh. Ngoài ra, Ding cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác toàn cầu trong lĩnh vực này.