Cô gái 18 tuổi ở Trung Quốc đã được chẩn đoán mắc chứng bệnh “luyến ái não” bởi những hành động “cuồng” bạn trai quá mức.
Hãng tin Yueniu News của Trung Quốc mới đây đã đưa tin về trường hợp của Xiaoyu, cô gái 18 tuổi sống tại tỉnh Tứ Xuyên. Cô bị “cuồng” bạn trai đến mức cuộc đời của cả hai trở thành cơn ác mộng.
Chứng bệnh này thường được chẩn đoán ở những người lớn lên thiếu tình thương của cha mẹ. (Ảnh minh hoạ: Unsplash).
Hành vi đáng lo ngại của cô gái trẻ bắt đầu từ năm nhất đại học khi Xiaoyu có quan hệ tình cảm với một chàng trai giấu tên. Theo Du Na - bác sĩ tại Bệnh viện Nhân dân số 4 ở Thành Đô, Xiaoyu đã bị ám ảnh một cách bất thường về bạn trai, luôn muốn biết tung tích của anh và phát cuồng khi anh không trả lời tin nhắn ngay lập tức. Điều này nghe có vẻ giống như hành vi kiểm soát người yêu thông thường, nhưng theo bác sĩ Du Na, Xiaoyu mắc chứng rối loạn tâm thần hiếm gặp có tên là “luyến ái não”.
Bác sĩ Du Na cho biết thêm rằng có ngày Xiaoyu gọi cho bạn trai hơn 100 lần. Cô trở nên tức giận khi anh không trả lời điện thoại, đến mức đập phá mọi đồ đạc trong căn hộ chung. Khi bạn trai Xiaoyu về nhà và nhìn thấy cảnh tượng đó, anh đã phải gọi cảnh sát và họ đến ngay lúc cô dọa nhảy từ ban công xuống.
Xiaoyu cuối cùng đã bị khống chế và sau đó được đưa đến bệnh viện. Tại đây, cô được chẩn đoán mắc chứng rối loạn nhân cách thường được gọi là “luyến ái não”.
Bác sĩ Du Na cho biết những người bị mức độ nhẹ thường có thể hồi phục và có cuộc sống bình thường chỉ bằng cách học cách kiểm soát cảm xúc, nhưng trong những trường hợp nghiêm trọng như của Xiaoyu, cần phải có sự trợ giúp y tế.
Mặc dù bác sĩ Du Na không thể xác định chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng của Xiaoyu, nhưng ông nói rằng chứng bệnh này thường được chẩn đoán ở những người lớn lên không có tình yêu thương của cha mẹ.
Câu chuyện của Xiaoyu đã lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc và gây ra một cuộc tranh luận sôi nổi về sức khỏe tâm thần và sự kỳ thị xung quanh căn bệnh này.
“Bệnh "luyến ái não" nghe thật kinh khủng”, một người bình luận trên Douyin.
“Liệu tôi có mắc bệnh "luyến ái não" không? Tôi cảm thấy mình cũng có hành động giống cô ấy”, một người khác tự hỏi.