Xương chày là xương gì?

Gãy xương chày: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Xương chày là xương nằm ở phía trước trong của cẳng chân và là xương có kích thước lớn nhất rất quan trọng trong toàn bộ chi dưới có nhiệm vụ điều hòa những hoạt động ở khớp gối và khớp cổ chân cũng như chịu lực tỳ nén chính của cơ thể, cho phép cơ thể di chuyển một cách linh hoạt.

Xương chày hơi cong hình chữ S, nửa trên thì hơi cong ra ngoài còn ở dưới hơi cong vào trong. Thân xương chày hình lăng trụ tam giác trên to, dưới nhỏ lại và đến 1/3 dưới cẳng chân thì chuyển thành hình lăng trụ tròn. Vì vậy đây là điểm yếu dễ bị gãy xương.

Cấu tạo của xương chày

Xương chày là xương lớn nằm ở trong xương mác và là xương cẳng chân duy nhất tiếp khớp với xương đùi.

  • Đầu gần là một khối xương to do lồi cầu trong và lồi cầu ngoài tạo nên. Mặt trên của mỗi lồi cầu lõm thành mặt khớp trên tiếp khớp với một lồi cầu xương đùi. Trên mặt sau-dưới lồi cầu ngoài có mặt khớp mác tiếp khớp với chỏm xương mác. Các mặt khớp trên của hai lồi cầu được ngăn cách nhau bằng vùng gian lồi cầu, vùng này bao gồm lồi gian lồi cầu nằm giữa các diện gian lồi cầu trước và sau.
  • Thân xương gần có hình lăng trụ tam giác với ba mặt là mặt trong, mặt ngoài và mặt sau và ba bờ là bờ trước, bờ trong và bờ gian cốt. Thân xương có lồi củ chày nằm ở trước, dưới và giữa hai lồi cầu. Phần trên của mặt sau thân có một đường gờ chạy chếch xuống dưới và vào trong đường cơ dép.
  • Đầu xa nhỏ hơn đầu gần, có mặt khớp dưới hướng xuống dưới tiếp khớp với xương sên và khuyết mác hướng ra ngoài tiếp khớp với đầu dưới xương mác. Đầu dưới kéo dài xuống thành một mỏm ở trong xương sên tạo nên mắt cá trong


Xương chày là điểm yếu dễ bị gãy xương.

Xương chày giải phẫu và xương mác liên kết với nhau như sau: Đầu trên hai xương nối với nhau bằng khớp chày - mác trên. Đây là một khớp hoạt dịch thuộc loại khớp phẳng, trong đó mặt khớp chỏm mác ở mặt trong chỏm mác tiếp khớp với mặt khớp mác của lồi cầu ngoài xương chày. Khớp này được giữ vững bởi các dây chằng chỏm mác sau và trước. Bờ gian cốt của hai thân xương được nối với nhau bằng màng gian cốt cẳng chân. Đầu dưới của hai xương liên kết với nhau bằng khớp sợi chày - mác. Mô sợi liên kết mặt trong mắt cá ngoài (đầu dưới xương mác) với khuyết mác của đầu dưới xương chày.

Xương mâm chày là phần xương đầu trên xương chày khớp với lồi cầu của xương đùi để tạo nên khớp gối giúp cử động khớp gối được nhẹ nhàng trong các sinh hoạt bình thường hằng ngày như gập gối khi ngồi, duỗi gối khi đi. Mâm chày có cấu tạo xốp với bề mặt sụn và diện khớp trên của xương chày được gọi chính xác là mâm chày, vị trí cụ thể của mâm chày là tiếp khớp với lồi cầu trong và lồi cầu ngoài tùy thuộc vào mâm chày trong và mâm chày ngoài. Cấu tạo phía giữa các mâm chày gồm các gai mâm chày có tác dụng giống như điểm bám cho các loại dây chằng khác nhau tại đây (dây chằng chéo trước và dây chằng chéo sau).

Mạch máu nuôi dưỡng xương chày gồm 3 nguồn mạch là : động mạch nuôi xương ( đi vào lỗ nuôi xương ở mặt sau chỗ nối 13 giữa và 1/3 trên xương chày), động mạch đầu hành xương và động mạch màng xương có nguồn gốc từ các động mạch cơ. Mạch máu nuôi xương chày rất nghèo và càng về phía dưới giữa các hệ thống mạch thì ít có sự nối thông vì thế gãy xương chày rất khó liền xương.

Chức năng của xương chày

Xương chày chịu lực bao nhiêu? Xương chày là xương quan trọng đóng vai trò chủ lực chịu phần lớn sức nặng của đùi dồn xuống cẳng chân cùng với cấu tạo lớn hơn cả xương mác nên chức năng của xương chày quan trọng hơn xương mác. Vì vậy mà các chấn thương ở xương chày nói chung, đặc biệt là mâm chày nói riêng có quan hệ mật thiết với khớp gối nên cần phải được chẩn đoán và điều trị đúng đắn.

Triệu chứng khi gãy xương chày

  • Cảm giác đau dữ dội ở phần dưới cẳng chân.
  • Tê hoặc ngứa ran ở chân.
  • Bên chân bị thương không có khả năng chịu lực.
  • Bị biến dạng vùng bị thương (cẳng chân, đầu gối, mắt cá chân, ống chân...).
  • Sưng tấy, bầm tím ở xung quanh vùng bị chấn thương.
  • Thấy xương chồi ra khỏi chỗ rách da (gãy xương hở).
  • Các vận động uốn cong và xung quanh đầu gối bị hạn chế.
  • Hạn chế các vận động uốn cong và xung quanh đầu gối
  • Nếu xương chày bị đứt gãy thì xương mác cũng thường bị ảnh hưởng.

Nguyên nhân làm gãy xương chày

  • Do té ngã từ độ cao lớn, hoặc rơi xuống bề mặt cứng. Thường xảy ra với người già, người đi không vững và các vận động viên.
  • Thực hiện các chuyển động xoắn như xoay vòng. Thường xảy ra các môn thể thao như trượt băng, trượt tuyết, đối kháng.
  • Do va chạm mạnh: nguyên nhân do tai nạn xe máy, ôtô có thể dẫn đến các chấn thương gãy xương chày nghiêm trọng nhất.
  • Một số tình trạng sức khỏe có sẵn ở người bệnh cũng có thể ảnh hưởng đến gãy xương chày, ví dụ như bệnh tiểu đường tuýp 2 và các bệnh lý về xương có từ trước như viêm xương khớp.

Phân loại gãy xương chày

Gãy xương chày là chấn thương gây gãy hoặc vỡ xương ở cẳng chân (một trong hai xương lớn ở cẳng chân). Để phân loại và chẩn đoán loại chấn thương, bác sĩ sẽ thực hiện khám lâm sàng và đề nghị một số xét nghiệm để kiểm tra tình trạng gãy xương chày.

Gãy đầu trên xương chày

Vỡ hoặc gãy đầu trên xương chày (phần trên xương ống chân) thường là hậu quả của tai nạn té ngã từ trên cao hoặc tai nạn giao thông. Các mô mềm như dây chằng, da, cơ, dây thần kinh, mạch máu...có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng vào thời điểm gãy xương. Do vậy bác sĩ sẽ kiểm tra và đánh giá mọi dấu hiệu tổn thương mô mềm để đưa vào kế hoạch xử lý phần gãy xương.

Gãy đầu dưới xương chày (Gãy Pilon)

Gãy đầu dưới xương chày là một chấn thương nghiêm trọng tại đầu dưới xương chày, với đường gãy đi vào diện khớp cổ chân. Gãy Pilon thường xảy ra sau khi chân chịu lực va đập mạnh như rơi từ độ cao xuống hoặc tai nạn giao thông.

Gãy đầu dưới xương chày thường gây sưng đau kèm theo sưng tấy lớn, đau đớn rõ rệt, gây sưng cổ chân và biến dạng cấu trúc cổ chân. Một số trường hợp gãy Pilon kèm theo các mảnh xương vỡ chồi qua da (gãy xương hở) thì cần điều trị nhanh chóng bằng phẫu thuật để giảm nguy cơ nhiễm trùng.

Chẩn đoán gãy xương chày

Để chẩn đoán gãy xương chày, bác sĩ sẽ hỏi về tình trạng sức khỏe đồng thời quan sát các dấu hiệu điển hình như:

  • Các biến dạng, dị dạng dễ nhận thấy.
  • Tình trạng da (rách hay lành)
  • Mức độ xương nhô ra ngoài (nếu có).
  • Đánh giá độ sưng và bầm tím.
  • Cảm giác bất ổn, đau.
  • Đánh giá sức mạnh cơ bắp.
  • Thực hiện xét nghiệm X-quang, chụp CT để xác nhận chẩn đoán gãy xương và tìm hiểu đầu gối, khớp mắt cá chân có bị ảnh hưởng bởi gãy xương chày hay không.

Điều trị gãy xương chày

Trên thực tế thời gian phục hồi gãy xương chày tùy thuộc vào mức độ gãy xương và có thể cần từ 4-6 tháng để chữa lành. Để điều trị gãy xương chày, có thể bác sĩ sẽ cân nhắc phương pháp điều trị nội khoa bao gồm:

  • Bó bột.
  • Cố định và hạn chế chức năng cơ chân nhưng vẫn cho phép một số cử động.
  • Vật lý trị liệu.
  • Tập luyện tại nhà.
  • Dùng nạng.

Trong một số trường hợp điều trị nội khoa không có tác dụng hoặc chấn thương quá phức tạp như gãy xương hở, gãy vụn hoặc xương chân yếu..., bác sĩ có thể đề xuất bệnh nhân thực hiện phẫu thuật. Các kỹ thuật sau có thể được sử dụng để điều trị gãy xương chày:

  • Cố định xương chày bị gãy tại chỗ bằng Nẹp vít, thanh hoặc tấm thép.
  • Cố định bên ngoài, kết nối ốc vít hoặc các đinh chốt xương gãy bằng một thanh kim loại bên ngoài để giữ chân định vị.(Cố Định Ngoài)
  • Kết hợp vật lý trị liệu, tập luyện chức năng tại nhà và dùng thêm thuốc giảm đau.

Nếu nhận thấy các vấn đề bất thường khách hàng nên đến thăm khám và tư vấn với các bác sĩ chuyên khoa

Cập nhật: 24/03/2021 Theo vinmec
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video