Dù người đó lạ hay quen, nhưng chỉ cần biết đó là một người đàn ông thì Emily Day sẽ lên cơn sợ hãi, rơi vào trạng thái kinh hoàng từ 10 phút tới cả tiếng đồng hồ dù cô chưa một lần bị lạm dụng hay tấn công tình dục.
Theo tờ The Sun (Anh), nỗi sợ đó không phải là do cô gái 32 tuổi ở Essex, Anh này vừa nhìn thấy một con vật gớm ghiếc hay một cảnh tượng máu me đáng sợ. Nỗi sợ đó chỉ đơn giản là vì cô biết có một người đàn ông đang gõ cửa nhà.
Emily Day, một tư vấn tuyển dụng, là người mắc chứng bệnh sợ đàn ông (androphobia).
Cô kể: “Nỗi sợ này đeo bám tôi cả đời. Tôi không thể nói rõ nỗi sợ bắt đầu từ khi nào. Tôi vẫn còn trinh. Tôi không phải đồng tính. Tôi có thể nhìn ảnh đàn ông và trầm trồ khi thấy họ đẹp trai, nhưng nếu tôi mặt đối mặt với một người đàn ông tôi ngưỡng mộ thì tôi sẽ thấy khó mà có thể ở chung phòng mà không lên cơn sợ hãi”.
Hội chứng sợ đàn ông thường xuất hiện sau khi bị lạm dụng, nhưng không phải trường hợp của Emily. Cô chưa từng bị tấn công mà chỉ bị chứng bệnh vô lý này ám ảnh từ bé.
Emily Day, cô gái mắc hội chứng sợ đàn ông. (Ảnh: The Sun).
Cô kể: “Tôi lớn lên trong gia đình toàn phụ nữ và có thể đó là một phần lý do. Bố ly dị mẹ khi tôi mới 6 tuổi và tôi không gặp lại bố nữa. Một trong những ký ức gần đây nhất là khi tôi 13 tuổi. Tôi có một bưu kiện và phải ra ký. Một người đàn ông tôi không quen đang chờ ở cửa. Tôi rơi vào trạng thái kinh hoàng tới mức em gái tôi Sarah nghĩ là tôi bị sốt và cho tôi nằm xuống”.
Emily cho biết mỗi khi lên cơn sợ đàn ông, ảnh hưởng của nỗi sợ kéo dài từ 10 phút đến cả tiếng. Nỗi sợ bắt dầu khi Emil thấy đỏ mặt, cơ thể ngày càng nóng và cảm giác không thể thở nổi. Sau đó, cô sẽ cảm thấy một nỗi sợ kinh hoàng về người đàn ông trước mặt và thấy nghẹt thở.
Khi còn bé, sau 6 lần rơi vào nỗi sợ như trên, Emily nhận ra đó là do cô gặp đàn ông lạ. Emily không biết tại sao và không thể kiểm soát nỗi sợ.
Chứng sợ đàn ông khiến giao tiếp xã hội và rời khỏi nhà là việc khó khăn. Emily kể: “Nếu tôi muốn gặp bạn bè, tôi phải chắc chắn là họ tới gặp tôi để tôi không phải gặp bố họ”.
Dù đã lên cơn sợ ở chỗ công cộng nhưng Emily trở nên rất thuần thục trong giấu diếm nỗi sợ. Cô thường giả vờ là mình không khỏe.
Emily không sợ bạn trai ở trường nhưng khi bạn bè lớn lên thì Emily thấy các bạn trai trở nên đáng sợ hơn.
Mãi tới 14 tuổi cô mới chia sẻ về vấn đề mình gặp phải với mẹ. Mẹ đã đưa cô tới gặp một bác sĩ nam, một trong số ít đàn ông mà cô có thể ngồi đối diện mà không sợ đến xỉu đi là vì ông chăm sóc sức khỏe cho cô từ bé.
Emily đã kể với bác sĩ mọi thứ và cảm giác như trút được gánh nặng. Cô được bác sĩ cho biết mình bị chứng sợ đàn ông.
Khi làm tư vấn tuyển dụng, Emily vẫn bị lên cơn sợ khi gặp một người đàn ông lạ tới phỏng vấn nhưng cô buộc phải cố gắng đối mặt.
Tuy nhiên, cuộc sống tình yêu bị ảnh hưởng nặng nề. Cô cố thử hẹn hò vài lần nhưng không thể vượt qua một nụ hôn vì khi đụng chạm với đàn ông, nỗi sợ quá lớn khiến cô không thể chịu đựng.
Emily nói: “Dường như nỗi sợ đàn ông đã biến thành nỗi sợ sự thân mật. Tôi hi vọng một ngày nào đó sẽ gặp một người cùng với tôi xóa tan hội chứng sợ đàn ông và tôi cuối cùng có thể kết hôn, sinh con”.