Kỳ lạ thí nghiệm xây dựng "xã hội không tưởng" cho chuột

Năm 1968, một chuyên gia về hành vi động vật và kiểm soát dân số tên là John B. Calhoun đã xây dựng một xã hội không tưởng cho chuột để thỏa mãn mọi nhu cầu của chúng. Tuy nhiên, chỉ trong trong hai năm, gần như toàn bộ công dân chuột trong xã hội không tưởng đã chết sạch.

Mang tên “Vũ trụ 25” (Universe 25), xã hội không tưởng của chuột do ông Calhoun xây dựng chú trọng vào nhu cầu của các gia đình chuột từ từng sợi lông. Xã hội này có thừa mứa thức ăn, nước uống, giường ngủ và không gian.

Chỗ ở của chuột là một cái thùng rộng gần 650cm2 với tường cao 137cm. Từ chân tường lên đến vị trí cao 93cm được thiết kế sao cho chuột có thể trèo lên nhưng không thể thoát ra ngoài vì phần còn lại là tường trống. Mỗi bức tường có 16 ống mắt lưới xếp theo chiều dọc, được gọi là khu vực cầu thang. Bốn hành lang mở ra phía khu vực cầu thang, dẫn tới bốn cái lồng. Tổng cộng có 256 lồng, mỗi lồng chứa 15 con chuột.


Xã hội không tưởng cho chuột của ông Calhoun.

Với số lượng chuột lấy từ hàng chục thí nghiệm trước đó, ông Calhoun dự đoán thiên đường chuột có thể chứa được 3.840 con. Trước đó, ông đã chọn các chuột Adam và Eve cho Vườn Eden chuột. Ông đã chọn được bốn cặp chuột giống dùng để sinh sản trong thí nghiệm và tự tay chọn những con khỏe mạnh nhất từ giống của Viện Y tế Quốc gia.

Trước khi thiết lập “Vũ trụ 25”, Calhoun đã thực hiện một số thí nghiệm tương tự với chuột bắt đầu từ những năm 1940. Tất cả thí nghiệm đều thất bại khi chuột không hoạt động hoặc tấn công lẫn nhau.

Ví dụ, trong một thí nghiệm, Calhoun đã làm một khu vực nhốt dành cho 5.000 con chuột nhưng cuối cùng, số lượng đàn chuột không bao giờ tăng quá 200 cho dù thừa mứa thức ăn, nước uống và hoàn toàn không có kẻ săn mồi hay mối đe dọa nào. Hơn nữa, ông để ý thấy rằng cho dù nhiều không gian nhưng chuột thường co cụm lại với nhau, từ đó khiến cơ cấu xã hội chuột bị đổ vỡ. Hiện tượng bất thường này khiến Calhoun đưa ra cụm từ “tha hóa hành vi” để mô tả điều mà ông cho là sự sụp đổ không thể tránh khỏi của bất kỳ xã hội nào quá đông đúc.

Các thí nghiệm của Calhoun cuối cùng đã thu hút sự chú ý của Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia (NIMH). Họ đã phải suy nghĩ về những ảnh hưởng của tình trạng quá đông dân số ở chuột, đặc biệt là bất kỳ hiện tượng nào có thể tương đồng với con người.

NIMH đã cho phép Calhoun tiếp cận một mảnh đất nhỏ của họ ở bang Maryland và số tiền cần thiết để xây dựng “Vũ trụ 25”. Mục đích của thí nghiệm là xem liệu một xã hội hoàn hảo có thể phát triển hay không.

Lúc đầu, thí nghiệm thành công và đàn chuột sống khá hòa thuận. Trong vòng một năm, số chuột sinh sôi từ 8 con ban đầu lên tới 620 con.

Chuột ở “Vũ trụ 25” được chăm sóc rất kỹ lưỡng với đầy đủ thức ăn nước uống để chúng có thể ăn uống thỏa thích lúc nào chúng muốn. Vũ trụ này cũng đầy không gian và giường sạch sẽ để chuột cái có thể nuôi chuột con một cách an toàn và yên bình.

Bất chấp điều kiện hoàn hảo này, ông Calhoun cho thấy sau ngày thứ 315 của thí nghiệm, mọi thứ bắt đầu trục trặc. Trước tiên, tăng trưởng đàn chuột giảm đáng kể. Ban đầu số lượng chuột tăng gấp đôi cứ sau 55 ngày. Sau 315 ngày thì số lượng chuột tăng gấp đôi cứ sau 145 ngày. Điều này có vẻ vô lý vì có thừa mứa không gian để cho thêm 3.000 con chuột nữa.

Ngoài việc giảm tăng dân số, ông Calhoun còn thấy hành vi chuột cái và chuột đực thay đổi đột ngột. Mối liên hệ xã hội bị phá vỡ và chuột đực không có lý do gì tự nhiên lại bảo vệ lãnh thổ và nguồn thức ăn trong khi có rất nhiều thức ăn và không gian. Chúng trở nên chán nản, lập “hội” riêng và thỉnh thoảng cắn xé nhau mà không có lý do. Tương tự, chuột cái cũng bắt đầu bỏ bê con cái và thậm chí tấn công con. Hậu quả là dần dần cả con cái và con đực đều ngừng sinh sản.

Trước đó, một số con chuột đực bắt đầu liên tục giao phối với bất kỳ con chuột nào tình cờ ở gần đó, dù là cái hay đực. Nhiều con chuột cũng bắt đầu giết hại và ăn thịt lẫn nhau cho dù nguồn thức ăn thừa thãi. Chuột mẹ thì bỏ con. Chúng co cụm lại theo nhóm 50 con hoặc nhiều hơn, chui vào các phòng được thiết kế chỉ cho 15 con. Các phòng khác đầy chỗ ngay bên cạnh thì không có con nào vào.

Điều gây tò mò nhất là một nhóm nhỏ chuột cái và chuột đực tách mình khỏi xã hội chuột để sống trong các tầng cao hơn. Những con chuột này không làm gì ngoài việc ngủ, ăn và làm sạch lông. Bộ lông của chúng bóng mượt hơn trông thấy. Do sống biệt lập ở tầng cao nên chúng không bị tấn công và không có sẹo. Chúng dường như mất hứng thú với mọi mối quan hệ xã hội, từ chối giao tiếp hay giao phối.


“Vũ trụ 25” nhìn từ bên ngoài.

Lần cuối cùng chuột ở “Vũ trụ 25” sinh con là vào ngày thứ 600 và từ ngày này, đàn chuột từ từ giảm số lượng. Ngay cả khi đàn chuột giảm về mức ban đầu, chúng cũng từ chối sinh sản hoặc giao tiếp với nhau như trước.

Vài tháng sau, toàn bộ chuột chết hết. Calhoun lưu ý rằng mặc dù đàn chuột sống thêm vài tháng nữa nhưng chúng thực sự đã chết từ ngày 315 – ngày mà mối liên kết xã hội giữa đàn bị sụp đổ. Ông viết: “Tinh thần đã chết (cái chết đầu tiên). Chúng không còn có thể thực hiện những hành vi phức tạp hơn để tồn tại. Những con sống trong bối cảnh đó chết”.

Ông Calhoun cho rằng thí nghiệm của mình là tiếng chuông cảnh tỉnh cho con người. Ông tin rằng quá đông dân sẽ chắc chắn dẫn tới sụp đổ xã hội và tuyệt chủng loài người. Những người khác thì có quan điểm phủ nhận công trình của Calhoun và cho rằng kết quả thí nghiệm không thể so sánh được với gì sẽ xảy ra trong xã hội loại người vì con người phức tạp hơn và có ý thức hơn chuột.

Sau đó, Calhoun tiếp tục nghiên cứu và thay đổi môi trường để tìm cách giữ đàn chuột khỏi bị suy giảm tới tuyệt chủng. Trong thực tế, ông đã thành công ở mức độ nào đó. Ví dụ như trong một trường hợp, ông tìm cách khuyến khích sự sáng tạo ở một số con chuột nhất định thông qua các biện pháp khác nhau. Trao cho chúng một mục đích nào đó đã khiến chúng hoạt động sáng tạo và phát triển hơn so với những thí nghiệm trước đó.

Cuối cùng, cho dù công trình của Calhoun có thực sự liên quan tới con người hay không thì thí nghiệm xã hội không tưởng của chuột cũng khiến người ta bất ngờ khi loài chuột tự thanh trừng lẫn nhau và dẫn tới tuyệt chủng.

Cập nhật: 27/12/2018 Theo Báo Tin Tức
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video