Kỷ lục truyền 402 Tb dữ liệu bằng cáp quang

Các nhà khoa học Nhật Bản đạt tốc độ truyền 402 Tb/giây dữ liệu bằng cáp quang thương mại nhờ khai thác những băng tần chưa từng sử dụng.

Một nhóm nghiên cứu quốc tế đứng đầu là Phòng thí nghiệm mạng quang tử thuộc Viện công nghệ thông tin và truyền thông quốc gia Nhật Bản (NICT) chứng minh băng thông truyền quang 37,6 terahertz (THz) cho phép lập kỷ lục về tốc độ dữ liệu 402 terabits (Tb)/giây qua cáp quang có thể mua được trên thị trường, Interesting Engineering hôm 27/6 đưa tin.


Nhóm nghiên cứu lập kỷ lục với cáp quang có sẵn trên thị trường. (Ảnh: iStock).

Các nhà nghiên cứu đạt kỷ lục trên bằng cách xây dựng hệ thống truyền quang đầu tiên ở mọi băng tần (OESCLU) của cáp quang tiêu chuẩn. Hệ thống kết hợp nhiều công nghệ khuếch đại, bao gồm 6 bộ khuếch đại sợi quang pha tạp. Thiết bị cân chỉnh quang học mới cũng cho phép tiếp cận những dải bước sóng chưa từng sử dụng trong các hệ thống đã triển khai. Công nghệ do NICT phát triển sẽ đóng góp đáng kể vào mở rộng khả năng của cơ sở hạ tầng truyền quang khi nhu cầu đối với dịch vụ dữ liệu gia tăng nhanh chóng trong tương lai.

Trong thí nghiệm này, nhóm nghiên cứu mở rộng ghép kênh phân chia theo bước sóng dày đặc (DWDM) để bao gồm mọi băng tần quan trọng, đạt hơn 1.500 kênh truyền song song trong băng thông 37,6 THz (275 nm). Cùng với các đối tác, NICT xây dựng hệ thống truyền từ băng tần O đến U đầu tiên trên thế giới, nhờ đó có thể truyền DWDM bằng cáp quang tiêu chuẩn có sẵn với công nghệ khuếch đại thiết kế tùy chỉnh.

Ước tính tốc độ dữ liệu sau khi truyền qua 40 km là 402 Tb/s, cao hơn 25% so với kỷ lục trước đây và băng thông 37,6 THz cũng đánh dấu mức tăng 35%. Kết quả thí nghiệm chứng minh tiềm năng truyền băng thông siêu rộng nhờ ứng dụng công nghệ khuếch đại và xử lý tín hiệu mới, giúp tăng khả năng truyền thông tin của sợi cáp quang.

NICT sẽ tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu phát triển công nghệ khuếch đại, phát triển các bộ phận và sợi quang để hỗ trợ ứng dụng trong tương lai gần và dài hạn. Các nhà nghiên cứu cũng hướng tới mở rộng phạm vi truyền của hệ thống băng thông siêu rộng với công suất siêu cao.

Cập nhật: 29/06/2024 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video