Nặng khoảng 4kg vào bao phủ một diện tích lên đến 2 mét vuông, da chính là cơ quan lớn nhất trên cơ thể con người. Có thể khẳng định rằng, nếu không có cơ quan này, bạn không thể tồn tại, bởi chất lỏng trong cơ thể sẽ bị bay hơi, và đó là còn chưa kể đến hàng loạt những nguyên nhân khác khi con người không còn được bảo vệ bởi da.
Chức năng của da
Dễ nhận thấy nhất là da giúp bảo vệ những phần nằm ngay bên dưới chúng khỏi các tác động bên ngoài: Từ lực va đập, các yếu tố môi trường cho đến tia UV. 24 giờ mỗi ngày và 7 ngày mỗi tuần, làn da của chúng ta hoạt động như một “công nhân mẫn cán”, khi liên tục chiến đấu với các vi khuẩn xâm nhiễm, liên tục tái tạo các tế bào da mới, đồng thời cũng không quên nhiệm vụ sản xuất vitamin D để cung cấp cho hệ xương khớp.
Da được cấu tạo như thế nào để có thể hoàn thành tốt tất cả các nhiệm vụ “khó nhằn:” kể trên?
Trên thực tế, có đến 3 lớp da cùng chung sức vào nhiệm vụ giúp con người có thể tồn tại.
Lớp da ngoài cùng – thứ mà chúng ta có thể quan sát bằng mắt thường – Được gọi là biểu bì. Thành phần cấu tạo chủ yếu của biểu bì là keratinocytes, một loại tế bào có nguồn gốc từ keratin, loại protein đóng vai trò là vật liệu cấu trúc cơ bản của da, móng tay và tóc. Keratin cũng là protein mạnh nhất nên được tin tưởng giao nhiệm vụ bảo vệ các loại tế bào da khác khỏi tổn thương.
Dù được ví như lớp tường thành vững chắc nhưng keratin cũng không thể bảo vệ cơ thể khỏi mọi tác nhân gây hại. Chính vì vậy, lớp biểu bì còn sở hữu các cơ chế phòng thủ khác.
Các tế bào Langerhan nằm trên biểu bì có nhiệm vụ gửi thông tin cảnh báo đến hệ miễn dịch, nếu phát hiện bất cứ vi khuẩn hay virut gây hại nào tìm được đường xâm nhập vào bên trong cơ thể. Ngoài ra còn có Melanin, chính là hắc sắc tố quyết định màu da của con người, giúp ngăn chặn các tia UV từ ánh sáng Mặt Trời.
Nằm ngay bên dưới biểu bì chính là lớp da thứ hai có tên gọi là hạ bì. Lớp hạ bì thậm chí còn dày hơn cả biểu bì và đây cũng chính là nhân tố giúp tạo ra sự chắc khỏe và đàn hồi của da người, nhờ vào sự hiện diện của hệ thống sợi collagen và elastin. Hệ thống dây thần kinh, nang lông, các tuyến cũng nằm ngay ở lớp hạ bì. Do đó, xúc giác và hệ thống điều hòa thân nhiệt của cơ thể được quyết định bởi lớp da này.
Tuyến chất nhờn ở lớp hạ bì sản sinh ra sebum, một loại chất dạng dầu có nhiệm vụ bao phủ lớp da bên ngoài, từ đó ngăn cản sự sinh sôi của vi khuẩn trên da.
Lớp da cuối cùng, nằm sâu nhất được gọi là lớp dưới da. Các mô dưới da hoạt động như cầu nối giúp gắn kết lớp biểu bì, hạ bì với xương và các cơ quan khác. Mặc dù vẫn được coi là một thành phần của da, nhưng lớp dưới da được cấu tạo chủ yếu bởi mỡ, đóng vai trò như lớp cách nhiệt giúp giữ ấm cơ thể cũng như tạo tấm đệm khi có va đập. Lớp mỡ dưới da còn đóng vai trò như kho dự trữ, có thể chuyển đổi thành năng lượng cung cấp cho các hoạt động của cơ thể trong trường hợp cần thiết.
Như vậy, chúng ta đã biết được 3 thành phần chính của da là: lớp biểu bì, lớp hạ bì và lớp dưới da. Da của bạn được tạo nên từ khoảng 1,5 ngàn tỷ tế bào, con số này biến động tùy theo đặc điểm cơ thể của từng người. Trung bình mỗi giờ, cơ thể tạo ra khoảng 40.000 tế bào da mới để thay thế lượng tế bào da chết rơi ra khỏi người chúng ta.
"Thế giới sống" đa dạng ngay trên da người
Ngay trên bề mặt da là cả một “thế giới sống” hết sức đa dạng, với khoảng 1000 loài vi sinh vật cùng tồn tại và phát triển. Theo ước tính, trên mỗi 6,5 centimet vuông bề mặt cơ thể có đến 50 triệu vi khuẩn. Con số này nghe có vẻ rất nhiều nhưng nếu chúng ta gom tất cả vi sinh vật đang cư ngụ trên bề mặt cơ thể vào một chỗ, thì nó chỉ lớn bằng một hạt đậu.
Cũng giống như đường ruột, trên da của chúng ta có cả vi khuẩn xấu và vi khuẩn tốt. Điều quan trọng là hệ vi sinh này được duy trì ở một trạng thái cân bằng, khi đó chúng ta sẽ có một làn da khỏe mạnh.