Lá nhân tạo biến ánh nắng thành nhiên liệu

Các chuyên gia tại Đại học Cambridge phát minh thiết bị để tạo ra khí đốt tổng hợp (syngas), loại khí thường được sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch.


Lá nhân tạo giúp sản xuất nhiên liệu thân thiện với môi trường. Ảnh: Independent.

Với việc chế tạo thành công khí đốt tổng hợp theo phương pháp mới, nhóm nghiên cứu hy vọng có thể phát triển một loại nhiên liệu lỏng bền vững thay thế xăng hoặc sử dụng để sản xuất nhiều hàng hóa như thuốc, nhựa, phân bón, Independent hôm nay đưa tin.

"Có thể bạn chưa từng nghe nói đến khí đốt tổng hợp. Tuy nhiên, hàng ngày bạn đang dùng những sản phẩm có sử dụng nó trong quá trình sản xuất", Erwin Reisner, giáo sư hóa học tại Đại học Cambridge, cho biết. Theo ông, việc chế tạo khí đốt tổng hợp một cách thân thiện với môi trường vô cùng quan trọng.

Lá nhân tạo không thải thêm CO2 vào khí quyển nhờ kết hợp một số vật liệu và chất xúc tác. Chiếc lá bắt chước quang hợp, phản ứng hóa học giúp cây chuyển ánh sáng Mặt Trời, CO2 và nước thành năng lượng. Nó sử dụng hai vật hấp thụ ánh sáng, tương tự các phân tử thu nhận ánh nắng của cây, kết hợp với chất xúc tác từ coban. Khi đặt trong nước, một vật dùng chất xúc tác để sản xuất oxy, vật thứ hai tạo phản ứng hóa học chuyển CO2 và nước thành CO và hydro, tạo ra khí đốt tổng hợp.

Nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy lá nhân tạo vẫn hoạt động hiệu quả khi trời nhiều mây hoặc mưa. "Điều đó nghĩa là bạn không bị hạn chế phải dùng thiết bị này ở những nước khí hậu ấm áp hoặc trong mùa hè. Bạn có thể sử dụng nó từ bình minh đến hoàng hôn, ở bất cứ đâu trên thế giới", Virgil Andrei, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.

"Chúng tôi hướng đến chế tạo những chất có thể dùng làm nhiên liệu, ví dụ như ethanol, một cách bền vững", Andrei bổ sung. Anh cho rằng rất khó để sản xuất nhiên liệu từ ánh sáng Mặt Trời chỉ qua một công đoạn với phản ứng khử CO2, nhưng tin rằng nhóm nghiên cứu đang đi đúng hướng và có thể tạo ra thiết bị làm được như vậy trong tương lai.

"Thay vì sản xuất khí đốt tổng hợp trước rồi chuyển thành nhiên liệu lỏng, chúng tôi muốn tạo ra nhiên liệu lỏng từ CO2 và nước chỉ bằng một công đoạn", giáo sư Reisner nói thêm. Ông nhận định, nhu cầu sử dụng nhiên liệu lỏng để giúp giao thông vận tải phát triển bền vững là rất lớn.

Cập nhật: 22/10/2019 VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video