Phó giáo sư, tiến sỹ Dương Tấn Nhựt, Phó Viện trưởng Viện sinh học Tây Nguyên, cho biết sau bốn năm nghiên cứu, đến nay đã hoàn thiện quy trình nhân giống dâu tây sạch bệnh và cung cấp cây giống số lượng lớn cho các vùng trồng dâu tại Lâm Đồng.
Các loại dâu tây sạch bệnh như Mỹ Đá, Mỹ Hương, Thơm với tổng sản lượng khoảng 305.600 cây giống thông qua phương pháp nuôi cấy mô thực vật. Khi chuyển các cây mô ra vườn ươm, giá thể thích hợp nhất là xơ dừa với tỷ lệ sống sót đạt 88,34%. Điều kiện trồng tối ưu cho nhân giống bằng cách cắt thân bò của cây dâu tây là trồng trong túi nilon với năm cây con F1 được hình thành trên mỗi cây mẹ.
Cũng theo Phó giáo sư, tiến sỹ Dương Tấn Nhựt, sau khi trồng thử nghiệm tại một số địa phương ở Lâm Đồng bằng các hình thức khác nhau như trên dàn treo, trong nhà kính, trực tiếp ngoài vườn ươm, kết quả thu được ngoài vườn được lựa chọn nhiều hơn. Năng suất trung bình trong một năm là 57 tấn/ha.
Từ năm 2009, dâu tây bị nấm bệnh, giống thoái hóa và các loại tuyến trùng phá hoại trên diện rộng. Những vườn dâu tây lên xanh tốt, đến kỳ ra trái đột nhiên từng chiếc lá xanh chuyển dần sang màu tím, nổ đốm rồi héo khô dần cho đến chết. Khi nhổ cây lên xem thấy bộ rễ có hiện tượng nhũn thối, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng cho nông dân. Dịch bệnh cũng làm giá dâu tây tăng lên cao, có thời điểm tăng lên 120.000 đồng/kg.
Dâu tây là một trong những đặc sản của thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, để ăn tươi, chế biến mứt và mật dâu. Việc nhân giống thành công, cung cấp giống dâu tây sạch bệnh là rất thiết thực. Hiện tại, Viện sinh học Tây Nguyên đã chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc giống dâu tây sạch bệnh cho nông dân.