Làm gì khi bị nhiễm trùng tiết niệu?

Tránh tắm bồn để ngăn vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu, bổ sung men vi sinh và vitamin C giúp tăng cường miễn dịch chống lại nhiễm trùng.

Nhiễm trùng đường tiết niệu, còn gọi là nhiễm trùng tiểu, xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào bất kỳ bộ phận nào của hệ tiết niệu như thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Bất kỳ ai, kể cả trẻ em, cũng có thể mắc phải với các triệu chứng đặc trưng như đi tiểu liên tục, tiểu rát, tiểu máu, đau ở vùng xương chậu... Đây là bệnh nhiễm trùng phổ biến, thường gặp ở phụ nữ hơn nam giới.

Nếu không được điều trị, bệnh này có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Thuốc kháng sinh thường được chỉ định để điều trị, giúp tăng tốc độ phục hồi, kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng.

Ngoài sử dụng thuốc kháng sinh do bác sĩ kê toa, một số biện pháp tại nhà dưới đây cũng góp phần giảm triệu chứng.

Uống nhiều nước

Người bệnh nên uống càng nhiều nước càng tốt dù đi tiểu có thể gây đau. Càng uống nhiều nước, bạn càng đi tiểu nhiều, giúp loại bỏ vi khuẩn có hại khỏi đường tiết niệu. Người trưởng thành nên uống khoảng 6-8 ly, tương đương hai lít nước, mỗi ngày.

Đi tiểu khi cần

Nhịn đi tiểu có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi trong đường tiết niệu. Nên đi tiểu khi cảm thấy muốn đi vệ sinh, sau khi quan hệ tình dục, nhất là với nữ giới, để loại bỏ vi khuẩn. Lau từ trước ra sau khi đi vệ sinh giúp tránh nguy cơ vi khuẩn lây lan từ hậu môn đến niệu đạo.

Uống men vi sinh

Men vi sinh thúc đẩy tiêu hóa và miễn dịch khỏe mạnh. Chúng cũng hỗ trợ điều trị nhiễm trùng tiểu khi được sử dụng cùng với thuốc kháng sinh. Khi mắc bệnh, vi khuẩn xấu thay thế vi khuẩn tốt trong hệ thống niệu sinh dục, nhất là vi khuẩn thuộc nhóm Lactobacillus. Men vi sinh có thể phục hồi vi khuẩn tốt và làm giảm tái phát nhiễm trùng tiểu.

Bổ sung vitamin C

Tăng lượng vitamin C hấp thụ giúp củng cố hệ miễn dịch, chống lại vi khuẩn có hại nói chung trong cơ thể. Bổ sung vitamin C thông qua chế độ ăn uống hoặc dùng thực phẩm chức năng.

Mặc quần áo rộng rãi

Lựa chọn quần áo lót bằng cotton và rộng rãi có thể làm giảm triệu chứng nhiễm trùng tiết niệu bằng cách giúp giữ cho vùng này khô ráo sạch sẽ. Quần áo bó sát và một số loại vải không thoáng khí tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển ở vùng sinh dục, khiến nhiễm trùng trầm trọng hơn.


Uống nhiều nước, mặc quần áo thoáng mát giúp giảm nhẹ triệu chứng bệnh. (Ảnh: Freepik).

Tránh tắm bồn

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), những người thường xuyên bị nhiễm trùng đường tiết niệu nên tắm vòi sen thay vì tắm bồn nhằm ngăn ngừa nguy cơ vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo.

Vệ sinh đúng cách

Nữ giới không nên thụt rửa hoặc sử dụng các sản phẩm có mùi thơm khi vệ sinh vùng kín. Điều này có thể gây kích ứng và trầm trọng thêm tình trạng bệnh. Nên vệ sinh nhẹ nhàng, chọn sản phẩm dịu nhẹ hoặc chỉ rửa bằng nước.

Đổi biện pháp tránh thai

Một số biện pháp tránh thai được cho là góp phần gây ra nhiễm trùng tiểu ở phụ nữ. Người sử dụng màng ngăn, chất diệt tinh trùng hoặc bao cao su không bôi trơn và nhiễm trùng tiểu thường xuyên đến bác sĩ khám để được tư vấn phương pháp ngừa thai khác.

Chườm nóng

Chườm túi nóng lên vùng bụng dưới có thể giảm cảm giác khó chịu và giảm đau rát khi đi vệ sinh.

Người bệnh đau dữ dội không bớt khi đã áp dụng các phương pháp tại nhà, tốt nhất nên đến bác sĩ khám. Hầu hết trường hợp nhiễm trùng tiểu đều không nghiêm trọng nếu được điều trị kịp thời bằng kháng sinh. Các triệu chứng của bệnh thường cải thiện trong vòng 2-4 ngày sau khi bắt đầu dùng thuốc.

Nếu không được điều trị, nhiễm trùng có thể lan đến thận và máu, đe dọa tính mạng. Lạm dụng hoặc sử dụng sai thuốc kháng sinh cũng có thể gây ra kháng kháng sinh, khiến điều trị bệnh tái phát khó khăn hơn.

Cập nhật: 09/10/2023 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video