Làm thế nào để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học?

Hiện nay, trong công tác quản lý khoa học và công nghệ (KH và CN) nói riêng và hoạt động KH và CN nói chung đang nổi lên một vấn đề nóng bỏng là các kết quả nghiên cứu chưa thật sự đi vào sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hay nói cách khác là các doanh nghiệp chưa "mặn mà" với các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước.

Ðiều này cũng đồng nghĩa với việc những kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước không được thương mại hóa, hiệu quả hoạt động KH và CN đạt ở mức thấp. Trong khi đó, ngân sách Nhà nước đầu tư cho KH và CN từ năm 2000 đến nay đều đạt mức 2% tổng chi ngân sách hằng năm. Kể từ năm 2000, mỗi năm Nhà nước bỏ ra từ 2,5 đến ba tỷ USD để nhập khẩu thiết bị, công nghệ (chỉ đứng sau giá trị nhập nguyên phụ liệu). Gần 65% giá trị nhập khẩu thiết bị, công nghệ có nguồn gốc từ Nhật Bản, Ðài Loan, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, đối tượng nhập khẩu chủ yếu là những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ðiều đáng quan tâm là một phần không nhỏ những thiết bị, công nghệ nhập khẩu này hoàn toàn có thể chế tạo được ở trong nước.

Nguyên nhân của vấn đề này có nhiều, nhưng chủ yếu vẫn thuộc về các doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà quản lý. Về phía các doanh nghiệp, do thiếu thông tin về khả năng chế tạo của các nhà khoa học trong nước, thiếu sự tin cậy đối với các sản phẩm còn mang tính "nghiên cứu", chưa được thử nghiệm nên chưa mạnh dạn tìm mua những thiết bị, công nghệ được sản xuất trong nước, mà thường chọn phương án nhập khẩu thiết bị, công nghệ nước ngoài, tuy giá cao nhưng có vẻ bảo đảm, ít mạo hiểm và rủi ro hơn.

Tham gia các chợ công nghệ, một cách để giới thiệu kết quả nghiên cứu. (Ảnh: ND)

Về phía nhà khoa học, do thiếu điều kiện để triển khai các ý tưởng khoa học, triển khai thực nghiệm, hoàn thiện công nghệ từ các đề tài nghiên cứu và thiếu kinh phí để triển khai, thiếu thông tin về nhu cầu của doanh nghiệp, nên hoạt động nghiên cứu chưa sát với nhu cầu của thực tế sản xuất, chưa tạo được lòng tin đối với các doanh nghiệp. Vì vậy, những kết quả nghiên cứu chưa được thương mại hóa.

Câu chuyện dưới đây là một thí dụ: Tại Chợ công nghệ, thiết bị Việt Nam năm 2003, sản phẩm máy tách dầu khỏi nước do nhóm các nhà khoa học thuộc Trung tâm tư vấn ứng dụng kinh tế TP Hồ Chí Minh nghiên cứu được giới thiệu rộng rãi, và sau đó, sản phẩm này đã được nhận bằng sáng chế độc quyền. Với những tính năng ưu việt về tách nước, tách dầu, sản phẩm này rất cần để giải quyết vấn đề ô nhiễm nguồn nước do dầu tại các doanh nghiệp cũng như các khu vực bị sự cố tràn dầu.

So với thiết bị tách dầu khỏi nước mà thế giới đang sử dụng (theo phương pháp ly tâm), thiết bị này có giá rẻ hơn từ 20 đến 30 lần, kích thước lại gọn nhẹ, có thể dễ dàng đưa lên các phương tiện di động. Thế nhưng, máy tách dầu vẫn chưa chuyển giao được cho một doanh nghiệp nào. Nguyên nhân là do thiếu vốn trong quá trình triển khai.

Qua quá trình tiếp nhận hợp đồng của các doanh nghiệp tìm hiểu loại thiết bị này cho thấy, các bên muốn mua đều kèm theo điều kiện là phải chứng minh được thiết bị đã thử nghiệm thành công (tức là cần phải có được một hệ thống để thử nghiệm). Ðể có được một hệ thống tách dầu hoàn chỉnh phải cần tới 11,5 tỷ đồng, trong đó Nhà nước đầu tư ba tỷ đồng, Trung tâm lo được ba tỷ đồng, còn lại trông chờ vào sự đầu tư từ các doanh nghiệp, nhưng đáng tiếc là chưa có doanh nghiệp nào tin tưởng để đầu tư.

Về phía nhà quản lý, do trong khâu tuyển chọn đầu vào còn mang nặng tính hành chính cơ chế xin - cho, nên phần lớn đề tài, dự án chưa xuất phát từ những đòi hỏi của thực tế sản xuất hay từ những vấn đề của doanh nghiệp. Bởi vậy, những thiết bị, công nghệ được tạo ra từ các đề tài, dự án trên không được các doanh nghiệp sử dụng mua bán. Hơn nữa, chúng ta chưa có được một chính sách hay một chiến lược cụ thể hỗ trợ các nhà khoa học cũng như doanh nghiệp để các kết quả nghiên cứu đến với thực tế sản xuất, qua đó thương mại hóa chúng. Thực tế cho thấy, chúng ta mới chỉ quan tâm làm sao để các đề tài, dự án cho ra được kết quả, còn việc kết quả đó đến với thực tế sản xuất như thế nào thì còn thả nổi hoặc chỉ dừng lại ở những giải pháp mang tính tuyên truyền, khuyến khích một cách hình thức... Trong khi, từ kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án tới việc áp dụng thực tế còn một khoảng cách khá xa.

Ðể giảm bớt nghịch lý trên, từng bước thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, hình thành thị trường công nghệ, chúng tôi xin kiến nghị một số giải pháp sau đây:

Một là, đổi mới phương thức quản lý, xây dựng hệ thống quản lý KH và CN dựa trên cơ sở hợp đồng. Việc đầu tiên phải tiến hành là tìm kiếm khách hàng, cùng khách hàng lựa chọn mặt hàng, sau đó bắt tay cùng khách hàng nghiên cứu khi đã nhận được tiền hợp đồng. Như vậy, một khi khách hàng đã tài trợ cho nghiên cứu thì bản thân họ đã tự nguyện ứng dụng thiết bị, công nghệ mới, dù rằng có thể có những rủi ro.

Hai là, Nhà nước phải là " bà đỡ" cho các kết quả nghiên cứu bằng cách mua lại các kết quả nghiên cứu, từ đó đầu tư triển khai vào thực tế sản xuất và các doanh nghiệp. Làm được như vậy, sẽ dần tạo nên một thị trường mua bán, trao đổi công nghệ.

Ba là, tạo lập những cơ chế, chính sách thiết thực để thúc đẩy mối liên kết, hợp tác trong tam giác phát triển giữa ba nhà (nhà khoa học, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp), để họ xích lại gần nhau hơn vì những mục tiêu, quyền lợi của mỗi bên và cho cả sự phát triển chung của nền KH và CN nước nhà.

Bốn là, hình thành những tổ chức trung gian chuyên môi giới mua, bán và làm các dịch vụ chuyển giao KH và CN từ nhà nghiên cứu tới doanh nghiệp. Theo kinh nghiệm của các nước phát triển, những tổ chức trung gian này rất quan trọng để liên kết giữa cung và cầu về công nghệ, kết nối từ nhà khoa học tới doanh nghiệp và ngược lại. Ở nước ta hiện còn thiếu loại hình hoạt động này.

Mở rộng sự hợp tác, trao đổi quốc tế về KH và CN, nhất là trong bối cảnh xu thế quốc tế hóa, toàn cầu hóa hiện nay, khi mà nước ta sắp trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Qua đó, kết hợp hài hòa giữa tiếp nhận chuyển giao công nghệ quốc tế với tri thức của người Việt Nam để tạo ra những thiết bị, công nghệ mang thương hiệu Việt, cạnh tranh và từng bước thay thế các thiết bị, công nghệ nhập ngoại.

ThS Phạm Chí Trung

Theo Nhân dân
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video