Việc Kính thiên văn James Webb phát hiện ra nước và các phân tử khác ở vùng bên trong của đĩa tiền hành tinh nóng cho thấy rằng, các hành tinh đá giống Trái đất có thể hình thành trong một số môi trường rất khắc nghiệt.
Hình minh họa một đĩa tiền hành tinh chứa khí và bụi hình thành hành tinh xung quanh một ngôi sao sơ sinh. (Ảnh: ESO/L. Calçada).
Trong khám phá đầu tiên, Kính thiên văn James Webb (JWST) đã phát hiện ra nước ở khu vực bên trong của một đĩa khí và bụi hình thành hành tinh bao quanh một ngôi sao sơ sinh.
Phát hiện này rất có ý nghĩa vì nước, cùng với các phân tử khác cần thiết để hình thành các thế giới như Trái đất, được tìm thấy gần một số ngôi sao trẻ, khổng lồ tạo ra bức xạ cực tím. Những môi trường khắc nghiệt như vậy trước đây được cho là không thích hợp cho sự hình thành các hành tinh đá, nhưng phát hiện mới này cho thấy các hành tinh giống Trái đất có thể có khả năng hình thành trong nhiều môi trường vũ trụ hơn người ta từng nghĩ.
Những phát hiện này cũng có thể giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về cách các hành tinh trong hệ mặt trời hình thành khoảng 4,5 tỷ năm trước.
Trưởng nhóm María Claudia Ramírez-Tannus, nhà khoa học tại Viện Thiên văn học Max Planck ở Đức, cho biết: “JWST là kính thiên văn duy nhất có độ phân giải không gian và độ nhạy để nghiên cứu các đĩa hình thành hành tinh ở các khu vực hình thành sao khổng lồ”.
Ramírez-Tannus và các đồng nghiệp đã trình bày chi tiết phát hiện này trong một bài báo xuất bản ngày 30/11 vừa qua trên Tạp chí Vật lý thiên văn.