Lắp đặt hệ thống cảnh báo sóng thần đầu tiên tại Ấn Độ Dương

Trong nỗ lực ngăn chặn những thiệt hại do sóng thần có thể gây ra, ngày 1-12, Thái Lan đã bắt đầu triển khai lắp đặt hệ thống phát hiện và cảnh báo sóng thần công nghệ cao đầu tiên tại Ấn Độ Dương.

Một tàu của Thái Lan được trang bị các thiết bị phát hiện và cảnh báo sóng thần đã xuất phát từ đảo Phuket ngày 1-12 để tới địa điểm ở gần đảo Nicobar, cách bờ biển phía Tây của Thái Lan khoảng 1.100 km.

Một bãi biển ở Pandangaran bị tàn phá trong cơn sóng thần 17-7-2006 (Ảnh: TTO)

Hệ thống trên, được biết đến với tên gọi là Hệ thống ước định và thông báo sóng thần dưới lòng biển sâu (DART), là hệ thống thiết bị đo lường và thông tin liên lạc do Mỹ chế tạo.

Đây là phần chủ chốt trong kế hoạch triển khai hệ thống cảnh báo sớm nhằm giúp các cư dân khu vực ven biển nhận được cảnh báo ít nhất một giờ trước khi xảy ra sóng thần. Sau khi hoàn thành việc lắp đặt (dự kiến ngày 3-12), đây sẽ là hệ thống đầu tiên kiểu này được lắp đặt ở Ấn Độ Dương.

Trạm DART, được đặt tại địa điểm trọng yếu dọc theo đường đứt gãy của lục địa dưới đáy biển và được kết nối với một thiết bị đo áp lực nằm sâu 4.500 m dưới đáy biển, sẽ ghi lại mọi biến động về áp lực của sóng biển ngay khi xảy ra động đất, sau đó sẽ truyền thông tin qua vệ tinh đến các trạm quan sát tại hơn 20 quốc gia khu vực Ấn Độ Dương trong vòng 5 đến 7 phút.

Theo ông Curt Barrett, Giám đốc Nhóm dự án sóng thần quốc tế thuộc Cơ quan Quản lý hải dương và khí quyển quốc gia Mỹ, với hệ thống này, các cơ quan chức năng có thể xác định được ngay trận động đất nào có khả năng gây ra sóng thần cũng như mức độ tác động của nó. Trước mắt, Hệ thống cảnh báo sóng thần Ấn Độ Dương tạm thời sẽ do Trung tâm cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương tại Hawaii (Mỹ) và Trung tâm thời tiết Nhật Bản điều hành.

Hệ thống DART bắt đầu được triển khai ở Thái Bình Dương từ giữa những năm 1990. Hiện ở khu vực này đã có 20 trạm và nó đã tỏ rõ hiệu quả trong trận động đất mạnh 8,1 độ richter trên đảo Curin, phía Bắc Thái Bình Dương, hôm 15-11.

Trận động đất mạnh 9,3 độ richter tại đảo Sumatra của Indonesia hôm 26-12-2004 đã gây ra trận sóng thần làm gần 300.000 ở 12 nước khu vực Ấn Độ Dương thiệt mạng. Trong vòng 10 phút sau khi xảy ra động đất, các nhà khoa học ở Hawai đã biết được mức độ và vị trí của trận động đất song không thể thông báo một cách hiệu quả do thiếu mạng lưới cảnh báo.

Trước tình hình trên, Ủy ban Hải dương học đa quốc gia của Liên hiệp quốc đã đứng ra xây dựng kế hoạch triển khai hệ thống cảnh báo sớm ở Ấn Độ Dương. Mỹ đã cam kết đóng góp 16,6 triệu USD bằng tiền mặt và hỗ trợ chuyên môn trong hai năm cho Hệ thống này.

Theo TTXVN, Tuổi trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video