Lập kế hoạch bảo vệ đại dương

Các đại dương ngày càng trở nên cạn kiệt do tình trạng đánh bắt quá mức, ô nhiễm và biến đổi khí hậu, chúng chỉ có thể được cứu nguy bởi một chiến dịch bảo tồn biển rộng lớn trên toàn cầu, các nhà khoa học cho biết ngày 30/7.

Đàn cá phèn vây vàng Mulloidichthys vanicolensis.

 

Các đại dương bao phủ hơn 70% bề mặt trái đất. Tuy nhiên, chỉ có trên 1% bề mặt các đại dương được bảo vệ và phần lớn các khu bảo tồn biển quan trọng chỉ được bảo vệ ở mức hạn chế.

Theo phân tích của giáo sư Callum Roberts - một trong những người tham gia chiến dịch bảo vệ đại dương hàng đầu, công tác tại Đại học York, Canada - thì trên hành tinh xanh chỉ có khoảng 0,1% bề mặt các đại dương là được bảo vệ hoàn toàn khỏi mọi sự khai thác.

Trước tình hình trên, “Di sản đại dương toàn cầu” (The Global Ocean Legacy, GOL) - một dự án của Nhóm Môi trường Pew (The Pew Environment Group, hiện có trụ sở tại Hoa Kỳ, Canada, châu Âu, Úc, New Zealand, tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương) đã được ký kết với sự thỏa thuận chung giữa 257 chuyên gia khoa học về biển đến từ 37 quốc gia trên thế giới là thành lập một mạng lưới bảo vệ nhiều vùng biển hơn nữa trên toàn cầu.

Giáo sư Roberts phát biểu trên CNN: “Chúng tôi có nhiều bằng chứng rõ ràng và mạnh mẽ cho thấy hệ sinh thái đại dương đang bị đe dọa và chúng cần được bảo vệ”.

“Ngày nay, tình trạng đánh bắt thủy sản đang diễn ra tại mọi ngóc ngách của đại dương và biến đổi khí hậu là 2 trong số những nguyên nhân làm nguy hại cho sự sống biển cả. Cách duy nhất để cứu nguy chúng là thiết lập nhiều khu bảo tồn biển hơn nữa”.

Nạn săn trộm cá mập là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất
tại Khu bảo tồn quần đảo Chagos.

Theo Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace), có đến 90% trữ lượng các loài cá săn mồi to lớn của đại dương đã biến mất và 90% trữ lượng cá đã bị đánh bắt hết trong khu vực các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU).

Ông David Ritter, chuyên gia nghiên cứu hàng đầu về đa dạng sinh học của Greenpeace tại Vương quốc Anh, nói trên CNN: “Không còn nghi ngờ gì nữa, các đại dương đang gặp khủng hoảng. Chúng tôi nhận thấy sự suy giảm có hệ thống của môi trường biển ở khắp nơi. Đánh bắt không chủ đích đã làm giảm 80% sản lượng cá trên toàn cầu”.

“Trữ lượng cá đang bị khai thác đến cạn kiệt, đặc biệt là các loài cá săn mồi bậc cao nhất trong chuỗi thức ăn đại dương như cá mập, cá ngừ và cá kiếm. Hiện tại, có nhiều loài cá nhỏ và động vật giáp xác thống trị một số vùng biển vì kẻ thù của chúng đã bị con người tiêu diệt, dần dần các loài này cũng sẽ biến mất nếu tình trạng khai thác vô tội vạ không được ngăn chặn, và một kết cuộc thảm hại có thể xảy ra với tình huống là các đại dương chỉ còn lại những con sâu biển”, ông Ritter lo lắng.

Nhóm Môi trường Pew đã lên kế hoạch dự án GOL có thời hạn 5 năm, dự án được khởi động trong năm 2007 với mục đích thuyết phục chính phủ các nước thành lập 4 Khu bảo tồn biển rất lớn là Khu bảo tồn Biển San hô ngoài bờ đông bắc Úc (1.061.895 km2), Khu bảo tồn biển bao quanh quần đảo Kermadec, gần New Zealand (637.137 km2), rãnh (vực) Mariana - rãnh sâu nhất thế giới ở vùng biển Hoa Kỳ, Thái Bình Dương và Khu bảo tồn biển bao quanh quần đảo Chagos, Ấn Độ Dương (544.000 km2).

Đàn cá chó. Khu bảo tồn biển bao quanh quần đảo Chagos
là ngôi nhà của hơn 1.000 loài cá.

Cho đến nay, việc thành lập 2 trong số 4 khu bảo tồn của dự án đã thành công là rãnh Mariana và quần đảo Chagos, 2 khu bảo tồn còn lại đang được khẩn trương tiến hành thành lập. Trong tháng 4/2010, quần đảo Chagos đã được bảo vệ bởi Chính phủ Vương quốc Anh, trở thành Khu bảo tồn biển lớn nhất thế giới hiện nay.

Ông Jay Nelson, giám đốc dự án GOL bày tỏ: “Các khu bảo tồn biển được thành lập tương đối dễ dàng đối với các vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia, vì các chính phủ có thể hành động đơn phương. Tuy nhiên, nó sẽ phức tạp hơn đối với các hải phận quốc tế bởi đòi hỏi sự giám sát và hợp tác giữa các quốc gia. Sự theo dõi và thi hành luật pháp trong hải phận quốc tế là đặc biệt khó khăn”.

Ông Nelson cho biết: “Khu bảo tồn biển có diện tích khoảng 93.240 km2 đã được thành lập vào năm ngoái trong hải phận quốc tế xung quanh quần đảo Nam Orkney thuộc Nam Đại Dương (bán đảo Nam cực) đạt được kết quả tốt đẹp và hiện nó đang được tiến hành áp dụng đối với những vùng biển khác trên thế giới”.

Dưới đây là những hình ảnh rực rỡ sắc màu và độc đáo dưới vùng biển bao quanh quần đảo Chagos, Ấn Độ Dương. (Ảnh: Catriona Davies/CNN)

Middle Borther - một trong 55 hòn đảo thuộc quần đảo Chagos.

Đồi mồi ung dung bơi trong khu vực biển Chagos được bảo tồn.

Loài cá mập Carcharhinus longimanus.

Rạn san hô ở quần đảo Chagos có cấu trúc rạn lớn nhất thế giới, là ngôi nhà của 200 loài san hô.

San hô hình dạng não quý hiếm ở quần đảo Chagos.

San hô Acropora cervicornis.

Chim điên chân đỏ Sula sula tại Khu bảo tồn quần đảo Chagos.

Cá mập xám Carcharhinus amblyrhychos.

 

Theo Vietnamnet
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video