Thời khắc tuyên thệ của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã tới. Người dân Mỹ cũng như toàn thế giới háo hức chờ đợi và mong ngóng mọi thông tin, diễn biến về sự kiện này.
Thời điểm và nơi diễn ra lễ nhậm chức?
Dù nắng mưa hay đông giá, cứ vào ngày 20/1, 4 năm 1 lần, các tổng thống Mỹ sẽ tuyên thệ trong buổi lễ bên ngoài Điện Capitol, tòa nhà Quốc Hội Liên bang Mỹ.
Lễ nhậm chức tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào buổi trưa giờ địa phương (17h - giờ GMT) thứ 6, ngày 20/1.
Các lễ chính bắt đầu vào buổi sáng tại Nhà Trắng và kết thúc tại các buổi tiệc khiêu vũ ở khắp nơi tại Washington DC.
Đông đảo người dân tới xem lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ Barack Obama năm 2009. (Ảnh: Gettyimages).
Lễ tuyên thệ của Tổng thống đắc cử Trump sẽ diễn ra tại khu vực đặc biệt rộng 10.000 m2 phía trước Điện Capitol với sức chứa 1.600 khách mời.
Một số lễ nhậm chức từng diễn ra tại Nhà Trắng nhưng các lễ nhậm chức trong lịch sử hiện đại của Mỹ diễn ra bên ngoài tòa nhà Quốc Hội Liên Bang Mỹ.
Tại sao luôn luôn là ngày 20/1?
Trong lịch sử gần 80 năm qua, buổi trưa 20/1 được chọn là thời khắc chuyển giao từ chính quyền cũ sang chính quyền mới sau mỗi kỳ bầu cử tổng thống ở Mỹ.
Trước đó, ngày tuyên thệ nhậm chức của tổng thống Mỹ được chọn là ngày 4/3, ngày kỷ niệm phiên họp đầu tiên của Quốc hội Mỹ vào năm 1789 khi chính phủ hoạt động theo Hiến pháp. Thời gian tính từ cuộc bầu cử vào tháng 1 đến khi tân tổng thống tuyên thệ nhậm chức được coi là đủ để cho các quan chức ở thế kỷ 18 và 19 di chuyển tới Washington và chính quyền kế nhiệm có thời gian chuẩn bị cho các hoạt động cần thiết.
Nhưng điều này đã thay đổi vào năm 1933 sau khi các công nghệ mới ra đời, trong đó có đường sắt, đồng nghĩa rằng mọi thứ có thể đi vào hoạt động ổn thỏa sớm hơn trước nhiều. Ngoài ra, giới lập pháp Mỹ cũng nhận thấy thời gian chuyển giao quyền lực kéo dài cũng kéo theo nhiều vấn đề.
Ai sẽ tham dự lễ nhậm chức?
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AFP).
Trong số 1.600 quan khách tham dự lễ nhậm chức sẽ có Tổng thống Mỹ Barack Obama, Chủ tịch Hạ viện Mỹ, các cựu tổng thống Mỹ, ngoại giao đoàn, các thành viên nội các và các ứng cử viên, các nghị sĩ, thống đốc các bang, bộ tổng tham mưu.
Lễ tuyên thệ theo đó sẽ có sự góp mặt của cựu Tổng thống George W. Bush, cựu Tổng thống Jimmy Carter, ông chủ thứ 42 của Nhà Trắng Bill Clinton và phu nhân Hillary Clinton.
Về những khách mời nổi tiếng, lễ nhậm chức năm nay sẽ thiếu vắng nhiều ngôi sao giải trí hạng A như Elton John và Celine Dion. Trước thông tin này, ông Trump đã viết trên trang Twitter cá nhân rằng ông không cần có những nghệ sĩ hạng A tới lễ nhậm chức, và rằng họ không làm được gì cả. "Tôi muốn những người dân bình thường", ông Trump viết.
Á quân của America's Got Talent 2010, Jackie Evancho hôm 14/12 vừa qua xác nhận sẽ hát quốc ca trong lễ nhậm chức của ông Donald Trump.
Nghi thức trong ngày nhậm chức
Cầu nguyện buổi sáng: Cựu Tổng thống Mỹ Franklin D Roosevelt bắt đầu truyền thống này vào lễ nhậm chức năm 1933. Trong các lễ nhậm chức sau đó, Tổng thống Obama, các cựu Tổng thống Bush, Reagan, Truman và Roosevelt đều từ Nhà Trắng đi tới nhà thờ St John's Episcopal để cầu nguyện.
Hai tổng thống cùng nhau trải qua thời khắc chuyển giao: Tổng thống sắp mãn nhiệm và Tổng thống đắc cử sẽ có buổi gặp mặt ngắn tại Nhà Trắng trước khi cùng nhau đi tới Điện Capitol, nơi diễn ra các lễ nhậm chức trong lịch sử Mỹ hiện đại.
Phó Tổng thống Mỹ tuyên thệ: Phó Tổng thống đắc cử Mike Pence sẽ đọc lời tuyên thệ, nhắc theo lời Chánh án Tòa án Tối cao, trên bục nhậm chức trước tòa nhà Quốc hội.
Tổng thống Mỹ tuyên thệ: Tùy vào tình hình thời tiết, buổi lễ có thể được tổ chức ở trong nhà hoặc ngoài trời. Lời thề 35 từ cần được đọc chính xác theo quy định của Hiến pháp. Ngày 20/1/2009, Tổng thống Obama phải đọc lại lời tuyên thệ do nhầm một từ.
Diễn văn nhậm chức: Mỗi tổng thống Mỹ kể từ thời George Washington đều có diễn văn nhậm chức, dao động trong phạm vi 135 từ (George Washington) tới 8.445 (William Henry Harrison). Ngày 4/3/1933, cựu Tổng thống Roosevelt đã có bài diễn văn nhậm chức hùng hồn với tuyên bố: "Thứ duy nhất chúng ta phải sợ chính là nỗi sợ hãi". Ngày 20/1/1961, cựu Tổng thống John F. Kennedy tuyên bố: "Đừng hỏi đất nước đã làm được gì cho các bạn mà hãy hỏi bạn đã làm được gì cho đất nước".
Tất cả mọi người tạm biệt ông Obama: Tổng thống mãn nhiệm thường rời đi nhanh chóng trong một cuộc tiễn đưa long trọng. Kể từ năm 1977, việc tiễn đưa diễn ra theo hình thức tổng thống mãn nhiệm rời đi bằng trực thăng, cũng có thể bằng tàu, ô tô hoặc máy bay.
Tiệc trưa nhậm chức: Tiệc trưa sẽ được tổ chức tại sảnh Statuary bên trong Điện Capitol, bao gồm các bài phát biểu, các món ăn từ bang quê nhà của tân Tổng thống Mỹ.
Diễu hành nhậm chức: Tân Tổng thống sẽ ngồi tại khán đài quan sát dành cho tổng thống để xem lễ diễu hành với sự tham gia của hơn 8.000 binh sĩ, thuyền và các ban nhạc, diễu hành từ Đại lộ Pennsylvania tới Nhà Trắng. Cựu Tổng thống Jimmy Carter đã phá vỡ tiền lệ này khi đích thân tham gia lễ diễu hành.
Tổng thống mới nhậm chức Bill Clinton và phu nhân Hillary Clinton vui vẻ trong tiệc khiêu vũ năm 1997. (Ảnh: Gettyimages).
Tiệc khiêu vũ: Sau lễ nhậm chức, một phần không thể thiếu mà các tân tổng thống Mỹ sẽ phải "vất vả" tham dự là các bữa tiệc khiêu vũ. Kỷ lục là cựu Tổng thống Bill Clinton đã tham dự 14 tiệc khiêu vũ vào năm 1997, Tổng thống Obama tham dự 10 tiệc khiêu vũ vào năm 2009. Số lượng tiệc khiêu vũ mà ông Trump sẽ tham gia còn đang được tính toán.
Lời tuyên thệ
Ông Donald Trump sẽ chính thức trở thành Tổng thống thứ 45 của Mỹ sau khi đọc lời tuyên thệ trước sự chứng kiến của Chánh án Tòa án Tối cao Mỹ: "Tôi, Donald Trump chính thức xin cam kết, sẽ trung thực điều hành văn phòng Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ và làm việc với hết khả năng của bản thân để duy trì và bảo vệ Hiến pháp Mỹ".
Các hoạt động khác
Ngày trước và sau lễ nhậm chức cũng có các hoạt động khác. Có một buổi lễ đặt vòng hoa tại Nghĩa trang quốc gia Arlington ngày 19/1 và lễ cầu nguyện tại Thánh đường quốc gia ở Washington vào ngày 21/1.
Cũng sẽ có những buổi biểu diễn ca nhạc trong những ngày này.
Ông Obama sẽ làm gì trước khi ông Trump nhậm chức?
Theo truyền thống, Tổng thống mãn nhiệm sẽ để lại một lá thư cho người kế nhiệm tại Phòng Bầu Dục.
Cựu Tổng thống George W. Bush đã chúc ông Obama có "một chương mới tuyệt vời" mà ông Obama sắp bắt đầu.
Vào năm 1993, cựu Tổng thống Mỹ Bush (Bush cha) đã gửi lời nhắn cho người kế nhiệm Bill Clinton: "Tôi chúc ông thật hạnh phúc ở đây. Tôi chưa bao giờ cảm thấy sự cô đơn như các tổng thống từng miêu tả... Tất nhiên ông sẽ trở thành tổng thống của chúng ta khi ông đọc lá thư này. Tôi chúc ông và gia đình sức khỏe".