Lịch sử đen tối về con đập thuộc top 7 công trình vĩ đại nhất lịch sử nước Mỹ: Cái giá phải trả là rất đắt

Đập Hoover nằm trong số những công trình quan trọng nhất của nước Mỹ vào thế kỷ 20. Nhưng để có được nó, họ phải trả những cái giá đắt.

Phía trên hẻm núi đen Black Canyon của bang Nevada (Mỹ) là một nhóm công nhân đang lơ lửng bên vách đá, với sợi dây thừng cột ngang lưng.

Đột nhiên, có một người bước đến sát vách. Nền đất vỡ ra, ông rơi thẳng xuống miệng vực, với tốc độ nhanh đến mức chẳng ai kịp phản ứng. May mắn thay, một công nhân vốn ở sâu hơn vội vung người văng ra khỏi vách núi, bắt kịp người đàn ông kia, rồi đưa ông ta quay trở lên an toàn.

Người được cứu sống là một kỹ sư. Sau khi cứu thoát ông, người công nhân lại quay trở xuống, tiếp tục công việc của mình.

Và đó là một ngày thường lệ ở hẻm núi này, trong quá trình xây dựng đập Hoover - 1 trong 7 công trình xây dựng vĩ đại nhất nước Mỹ - vào đầu thế kỷ 20.


Đập Hoover thuộc top 7 công trình vĩ đại nhất lịch sử nước Mỹ

Khởi nguồn của một con đập khổng lồ

Những năm đầu thế kỷ 20, nước Mỹ bắt đầu mở rộng phát triển sang khắp 2 bên bờ. Vấn đề bắt đầu nảy sinh, về việc có nhiều thành phố lớn thuộc phía Tây Nam khô hạn vẫn chưa có nguồn nước đủ tin cậy để sử dụng.

Trong khi con sông Colorado đã được nắn dòng nhờ vô số kênh đào, dòng chảy thất thường của nó lại thường xuyên gây lũ lụt, dẫn đến nông nghiệp không được đảm bảo. Cùng lúc đó, các thành phố và khu công nghiệp thuộc vùng Tây Nam phát triển rất nhanh, nghĩa là họ ngày càng cần nhiều năng lượng hơn.


Khởi đầu kế hoạch xây dựng đập Hoover

Để giải quyết câu chuyện này, Cục Cải tạo Hoa Kỳ năm 1922 đã đưa ra giải pháp bằng cách xây dựng một con đập thủy điện khổng lồ, với sự đồng thuận của 7 tiểu bang xung quanh sông Colorado. Họ đều chấp thuận rằng hẻm núi Black Canyon là nơi phù hợp nhất để xây dựng một con đập vòm (arch dam).

Đập vòm là kết cấu đập hình vòng cung được xây ngược dòng, lợi dụng sức nước đẩy và truyền áp lực ngang của nước cho bờ - trong trường hợp này là vách núi - để tạo sự ổn định. Đập vòm vốn được xây dựng tại nhiều nền văn minh cổ đại, nhưng ở thời điểm đó quy mô tại Black Canyon là lớn nhất. Theo kế hoạch thì khi hoàn thiện, con đập dự kiến sẽ cao 221m, bề ngang vòm là 379m.

Trả giá bằng máu và xương thịt

Để tạo ra một con đập quy mô lớn như thế cần lượng nhân lực rất lớn. Nhưng bởi cơn Đại Khủng hoảng kinh tế diễn ra chỉ 1 năm sau khi dự án được phê duyệt, số người đến ứng tuyển cho một vị trí công việc tại đây lên tới hàng ngàn người.

Những người đến sớm nhất đã dựng trại ở gần công trình, tạo ra một ngôi làng "tạm bợ" tên là Ragtown (hay "Làng giẻ rách"). Không có cơ sở vật chất, nhu yếu phẩm thiếu thốn, cũng chẳng có thứ gì bảo vệ, nhiều người trong số đó chết vì sốc nhiệt trong mùa hè nóng bức. Chính phủ Mỹ sau đó phải quyết định xây dựng thành phố Boulder với nhiều tiện nghi và cả một bệnh viện tối tân nhất để bảo đảm cho lực lượng lao động, chuẩn bị cho dự án quan trọng của họ.


Những người đến ứng tuyển đầu tiên hoá ra là những người kém may mắn nhất

Trước khi tiến hành xây dựng, con sông Colorado buộc phải nắn lại dòng. Họ cho nổ tung 2 bên hẻm núi, lắp đặt những đường ống khổng lồ dài tổng cộng 5km, cho khả năng vận chuyển 5.600 mét khối nước mỗi giây. Tuy nhiên để đảm bảo đường ống được lắp đặt đúng thời hạn, các công nhân phải chịu rất nhiều áp lực và làm việc trong môi trường tồi tàn. Nhiệt độ ở các đường hầm lắp đặt lớn đến mức khiến nhiều người phải gục ngã.

Mùa thu năm 1932, con sông được nắn dòng thành công, nhưng cũng chỉ để các công nhân phải đối mặt với những công việc nguy hiểm hơn phía trước. Mục tiêu của họ lúc này là phá và dọn dẹp khoảng... 1 triệu mét khối đá trên vách núi.

Các đốc công tập hợp những người quen với công việc liên quan đến độ cao, yêu cầu buộc dây hạ xuống vách núi, đục đá vụn bằng dùi và thuốc nổ. Từ diễn viên xiếc đến thủy thủ, thậm chí cả thổ dân, họ tự nguyện (vì đồng tiền) mà bất chấp tử thần, thực hiện công việc đầy nguy hiểm này.


Những công nhân được yêu cầu buộc dây hạ xuống vách núi, đục đá vụn bằng dùi và thuốc nổ.

Sau khi đã dọn sạch sẽ bức tường đá, con đập chính thức được triển khai xây dựng. Họ cần đổ khoảng 6,6 triệu tấn bê tông vào đó - con số đủ để trải một con đường cắt ngang nước Mỹ. Nhưng số lượng bê tông khổng lồ ấy nếu đổ cùng một lúc sẽ cần rất nhiều thời gian để nó nguội và cứng lại - khoảng hơn 125 năm. Vậy nên để đẩy nhanh thời gian, họ đổ bê tông vào các ô chia nhỏ, mỗi ô được lắp đường ống dẫn nước chạy qua.


Bê tông được đổ vào các ô chia nhỏ, với những đường ống dẫn nước lạnh chạy qua để làm nguội nhanh hơn

Năm 1935, gần như toàn bộ con đập đã được hoàn thiện, sớm hơn 2 năm so với dự tính. Ngày 1/2/1935, các đường hầm nắn dòng được mở ra để nước tràn vào hồ chứa của đập, với khả năng trữ nước hơn gấp 2 lần so với dòng chảy thường niên của sông Colorado. Ở thời điểm ấy, con đập là công trình nhân tạo cao nhất thế giới, một cột mốc đáng tự hào trong lịch sử quốc gia.


Hơn 100 người đã tử vong trong quá trình xây dựng đập Hoover.

Nhưng đi kèm với tốc độ xây dựng nhanh như vậy là những cái giá phải trả. Công trình tuyển dụng 21.000 nhân lực do ảnh hưởng của Đại Khủng hoảng, và hơn 100 người đã tử vong trong quá trình xây dựng. Bên cạnh đó, việc xây dựng hồ chứa lưu lại lượng nước quá lớn đã hủy hoại nhiều cộng đồng cư dân, và tàn phá hệ sinh thái xung quanh con sông Colorado.

Ngày nay, đập Hoover sản sinh được 4 tỉ kWh mỗi năm, cung cấp điện đủ cho 1,3 triệu cư dân. Có điều, hệ quả từ việc xây đập vẫn là một vết gợn khó lòng xóa bỏ, với những ai tìm hiểu về lịch sử quanh nó.

Cập nhật: 10/01/2022 Theo Pháp luật&bạn đọc
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video