Cây cà phê đầu tiên được người Pháp mang đến Việt Nam vào năm 1857, từ các đồn điền nhất nhì Đông Dương này, cây cà phê đã có những trở mình mạnh mẽ, thoát khỏi các định chế bao cấp, trở thành một trong những cây trồng có giá trị xuất khẩu cao nhất (sau lúa gạo), đưa nước ta lên vị trí thứ 2 của bản đồ cà phê thế giới.
Bài viết này sơ lược về một số mốc thời gian đáng kể từ khi cây cà phê có mặt tại nước ta đến thời kỳ đổi mới, ngoài ra các bạn có thể tham khảo thêm một số nội dung sau.
Cây cà phê được mang đến Việt Nam bởi người Pháp.
Khởi sự của cây cà phê ở Việt Nam
Arabica (Coffea arabica) là giống cà phê đầu tiên được đưa vào Việt Nam vào năm 1857, thông qua các nhà truyền giáo Pháp. Nó đã được thử nghiệm tại các nhà thờ Công giáo ở các tỉnh phía bắc, như Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh; và sau đó lan sang một số tỉnh miền trung, như Quảng Trị và Quảng Bình. Cuối cùng, cà phê đã được đưa đến các tỉnh phía Nam của Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Sau đó người ta mới phát hiện ra rằng Tây Nguyên là nơi thích hợp nhất để trồng cà phê.
Sau đó, vào năm 1908, người Pháp đã mang hai loại cà phê khác đến Việt Nam là Robusta (Coffea canephora) và Exelsa (Coffea exelsa). Không dừng lại, người Pháp đã thử nghiệm nhiều giống khác nhau từ Congo tại Tây Nguyên, chứng kiến sự phát triển rất tốt của cà phê ở khu vực này. Xuyên suốt cuộc chiến và cho đến năm 1986, nhiều khu vực sản xuất cà phê đã phát triển, nhưng rất chậm và sản lượng thấp. Năm 1986, tổng diện tích cả nước dành cho sản xuất cà phê chỉ khoảng 50.000 ha và khối lượng sản xuất là 18.400 tấn (chỉ hơn 300.000 bao 60kg).
Cây cà phê trên đồn điền Cressonnière – 1898.
"Trong các đồn điền cà phê đầu thế kỷ thứ 20, người ta trồng cả 3 loại cà phê, cà phê Arabica với giống Typica, cà phê Canephora với giống Robusta và cà phê Liberica cùng với giống Excelsa. Năm 1930 ở Việt nam có 5900 ha cà phê, trong đó có 4700 ha cà phê Arabica, 900 ha cà phê Excelsa và 300 ha cà phê Robusta".
Qua nhiều năm trồng cà phê, kết quả cho thấy cây cà phê chè (Arabica) không cho kết quả mong muốn vì dễ bị tấn công bởi sâu đục thân (xylotrechus quadripes) và nấm gỉ sắt (Hemileia vastatrix) phá hoại. Cà phê vối (Robusta) thì không phát triển tốt ở miền Bắc do có mùa đông nhiệt độ quá thấp so với yêu cầu sinh thái của cây này. Chỉ có cà phê mít (Excelsa) sinh trưởng khỏe, cho năng suất khá song giá trị thương phẩm lại thấp. Lúc đó có chuyên gia nước ngoài đã khuyến cáo không nên trồng cà phê chè ở Việt nam, chỉ trồng cà phê vối ở phía nam và cà phê mít ở phía bắc (Chatot – cây cà phê ở Đông Dương -1940).
Trong giai đoạn những năm 1960-1970 ở miền Bắc Việt nam, hàng loạt nông trường quốc doanh được thành lập, trong đó có hàng chục nông trường trồng cà phê và trồng cả 3 loại chè, vối, mít. Tình hình phát triển của cà phê những năm này cũng không mấy khả quan và đến đầu thập niên 70 người ta đã kết luận không trồng được cà phê ở phía bắc.
Công cuộc cải cách và bước nhảy vọt về sản lượng
Sau khi chiến tranh thúc kết thúc năm 1975, đất nước gần như trên đà lao dốc về mọi mặt kinh tế – chính trị – xã hội, trong đó các chính sách kinh tế được sao chép từ Liên Xô không còn phù hợp với tình hình nội tại của nước nhà bấy giờ. Điển hình là mô hình nông nghiệp tập thể đã chứng tỏ sự kém hiệu quả, vì vậy vào năm 1986, Đảng và nhà nước đã thực hiện một “cú quay đầu” (công cuộc cải cách) – như một ván cược lớn và cây cà phê đồng thời cũng năm trong số ấy.
"Cho đến năm 1975 cả nước trên hai miền nam bắc mới chỉ có khoảng 13.000 hecta với sản lượng khoảng 6000 tấn. Cũng từ sau 1975 ngành cà phê Việt nam mới đi vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ – Đoàn Triệu Nhạn".
Năm 1980 một chương trình phát triển cà phê ở Việt nam do công ty cà phê ca cao thuộc Bộ nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm xây dựng được trình lên Thường trực Hội đồng Bộ trưởng và được cho phép thực hiện. Tiếp đó là một loạt các hiệp định hợp tác sản xuất cà phê được ký kết giữa chính phủ Việt nam và Liên xô (trồng mới 20.000 ha cà phê), CHDC Đức (10.000 ha), Bungary (5.000 ha), Tiệp khắc (5000 ha) và Ba lan (5000 ha) – Theo Đoàn Triệu Nhạn, VICOFA.
Xí nghiệp liên hiệp cà phê Việt Đức, chụp năm 1985.
Năm 1982 Liên hiệp các xí nghiệp cà phê Việt Nam (LH-XN-CPVN) được thành lập theo Nghị định 174 HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng với sự tham gia của 3 sư đoàn quân đội và một số công ty thuộc Bộ Nông nghiệp và các địa phương Đắk Lắk, Gia Lai – Kon Tum. Chương trình phát triển cà phê được mở rộng trên các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Loại cà phê được chọn để mở rộng diện tích là cà phê Robusta, một giống cà phê ưa điều kiện khí hậu nóng ẩm và nhất là ít bị tác hại của bệnh gỉ sắt.
Bước ngoặt 1986
Năm 1986 LH-XN-CPVN được sự hỗ trợ của các Bộ nộng nghiệp, Kế hoạch, Tài chính, Ngoại thương,… đã tổ chức Hội nghị phát triển cà phê trong các hộ gia đình nông dân ở các tỉnh Tây nguyên, duyên hải miền Trung và Đông nam bộ, gọi là Hội nghị cà phê nhân dân lần thứ nhất. Cùng với chính sách mới và có sự kích thích mạnh mẽ của giá cà phê trên thị trường quốc tế đang lên cao lúc đó, ngành cà phê Việt nam đã phát triển nhanh mạnh (Xem thêm Cà phê Việt Nam – hành trình ba thập kỷ).
"Từ năm 1986, Chính phủ Việt Nam đã tập trung nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực cà phê, nhằm mục đích chuyển đổi cà phê thành một ngành nông nghiệp quan trọng. Ngoài các trang trại nhà nước, Chính phủ cũng khuyến khích các hộ gia đình cá nhân trồng cà phê. Do đó, sản xuất cà phê tại Việt Nam đã bùng nổ về diện tích, sản lượng và giá trị xuất khẩu".
Cho đến những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ 20 ngành cà phê Việt nam mới đưa giống cà phê Catimor của loài cà phê Arabica vào sản xuất. Từ đó cà phê Arabica bắt đầu được trồng ở Việt nam với giống chống bệnh gỉ sắt Catimor. Đó cũng là cơ sở để Tổng công ty cà phê Việt nam xây dựng chương trình phát triển cà phê Arabica ở Việt nam.
Cà phê Việt, sau hơn một thế kỷ
Vào cuối những năm 1990 Việt Nam trở thành nhà sản xuất cà phê hàng đầu ở Đông Nam Á và sau Brazil, nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê xanh thứ hai trên thế giới. Tuy nhiên, sản xuất chủ yếu tập trung vào hạt Robusta. Trong khi Robusta chiếm 92,9% tổng diện tích trồng cà phê, thì các giống Arabica chỉ chịu trách nhiệm cho một vài phần trăm – không quá 5% tổng sản lượng của Việt Nam.
Sản xuất cà phê đều đặn gia tăng 20% - 30% mỗi năm trong những năm 1990, với những vườn cà phê nhỏ được trồng trên nửa triệu mảnh đất (từ hai đến ba mẫu). Điều này đã giúp xoay chuyển mạnh mẽ nền kinh tế. Lấy một số liệu điển hình như vào năm 1994, đất nước có khoảng 60% người sống dưới mức nghèo khổ, hiện tại con số này chưa đến 10%, và chắc một điều rằng, thanh tựu này không thể bỏ qua sự đóng góp mà cây cà phê mang lại.
Trong công cuộc cải cách, ngành cà phê đã được quốc hữu hóa, phát triển mạnh tại các tỉnh Tây Nguyên, doanh nghiệp tư nhân được nhân rộng, dẫn đến một sự phát triển đột biến của ngành công nghiệp chế biến cà phê. Mối liên kết hợp tác giữa người trồng, sản xuất và nhà nước đã đem đến kết quả trong việc xây dựng thương hiệu cà phê thành phẩm và xuất khẩu sản phẩm bán lẻ. Mà điển hình có thể kể đến là cà phê Trung Nguyên vào năm 1996 cùng với Highlands Coffee vào năm 1998.
Cây cà phê chè ở Dăk Lăk – Việt Nam.
"Trong 30 năm (từ 1986 đến năm 2016) sản lượng cà phê tại Việt Nam đã tăng gần 100 lần, từ 18.400 tấn năm 1986, lên 900.000 tấn năm 2000 và đạt 1,76 triệu tấn trong năm 2016; Trong đó có từ 90% đến 95% sản lượng được xuất khẩu hàng năm. Theo ICO".
Trong những năm gần đây các ban ngành, nhà nước đã tìm cách nâng cao chất lượng cà phê xuất khẩu, bao gồm việc mở rộng các vùng sản xuất cà phê chè – Ngày nay chủ yếu được trồng ở các tỉnh phía Bắc như Quảng Trị (Quảng Trị) và Sơn La. Tuy nhiên, khu vực quan trọng nhất về cà phê nói chung vẫn là Tây Nguyên (Đăk Lăk, Kon Tum và Lâm Đồng. Tây Nguyên đã dẫn đầu sản xuất cà phê Robusta cả về diện tích và sản lượng. Nó nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam, mà còn trên toàn thế giới với một số chỉ dẫn địa lý như: "Buôn Ma Thuột", Cầu Đạt – Đà Lạt,.. được biết đến với chất vị mạnh mẽ do đặc tính của đất.
“Trái lành, quả ngọt” của ngành cà phê Việt
Với mức trung bình khoảng 2,3 tấn/ha, năng suất cà phê của Việt Nam cao hơn đáng kể so với bất kỳ quốc gia sản xuất cà phê nào khác trên thế giới. Việt Nam đã tạo ra một thương hiệu độc đáo về canh tác “Robusta cường độ cao”, vì cây “rô” cho năng suất hạt trên một ha nhiều hơn Arabica, điều này cho phép Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất cà phê có năng suất cao nhất. Đồng thời, qua đó còn thúc đẩy lợi nhuận cho nông dân trồng cà phê, vì nhiều nông dân Việt Nam thu hoạch trên 3,5 tấn mỗi ha.
Phần lớn cà phê nước ta thuộc giống Robusta nổi bật với vị đắng gắt.
"Chìa khóa thành công của cà phê Việt Nam là tập trung vào các giống Robusta. Robusta có mức giá thấp hơn so với người anh em của nó – Arabica. Tuy nhiên, Robusta dễ trồng hơn nhiều vì chi phí sản xuất thấp hơn so với Arabica và khả năng kháng nhiều loại sâu bệnh ảnh hưởng đến Arabica. Ngoài ra, phân bón và nước đầu vào có thể thay đổi để ảnh hưởng đến năng suất mà không ảnh hưởng đến sức khỏe của cây, trong khi sức khỏe của cây Arabica có thể bị tổn hại đáng kể do thay đổi mạnh mẽ của đầu vào – theo ICO".
Tuy vậy, các con số thống kê hàng triệu tấn cà phê xuất khẩu mỗi năm, chưa thể bù lại cho khiếm khuyết về chất lượng khi mà sản xuất được tập trung vào giống Robusta, với tiềm năng chất lượng thua kém Arabica, và chủ yếu nhằm phục vụ xuất khẩu như dưới dạng cà phê nhân thô, chưa qua chế biến.