Trận đánh thành Jerusalem đẫm máu: 3 lớp tường thành lần lượt vỡ, hơn 1,1 triệu người chết

Người Do Thái từng có quãng thời gian dài sống dưới ách đô hộ của đế chế La Mã, cho đến khi vùng lên nổi dậy vào năm 66, buộc hoàng đế la Mã đưa những quân đoàn thiện chiến nhất đến Jerusalem.

Năm 64 SCN, Gessius Florus trở thành thống đốc vùng Judea (nay là Israel) của La Mã. Nổi tiếng là người có quan điểm thù địch với cư dân bản địa, Florus không mấy quan tâm đời sống tôn giáo của người Do Thái.


Trận vây thành Jerusalem năm 70 được coi là thảm kịch đẫm máu nhất lịch sử cổ đại.

Khi nguồn thu từ thuế suất giảm mạnh, Florus ra lệnh chiếm của cải ở Đền Thánh của người Do Thái ở thành Jerusalem. Điều này dẫn đến làn sóng phẫn nộ trong dân chúng.

Đền Thánh thờ Thượng Đế, là vị thần tối cao trong tín ngưỡng của người Do Thái. Đền Thánh đầu tiên do vua Solomon xây dựng năm 1.000 trước công Nguyên, sau này bị người Babylon phá hủy. Đền Thánh thứ hai được xây dựng vào năm 516 TCN, tồn tại cho đến cuộc tấn công thành Jerusalem của người La Mã năm 70.

Năm 66, đội quân La Mã tiến vào Jerusalem, tàn sát 3.600 người. Hành động của Florus tạo nên một cuộc nổi dậy của người Do Thái, hay còn gọi là Chiến tranh Do Thái – La Mã lần thứ nhất.

Cuộc nổi dậy của người Do Thái

Cuộc nổi dậy bắt nguồn từ thành Jerusalem. Người dân ngăn chặn những cống vật được chuyển vào đền để dâng lên Caesar. Không lâu sau, cả thành Jerusalem trở nên sôi sục, trục xuất hoặc sát hại các binh sĩ La Mã. Cuộc nổi dậy lần lan tỏa ra khắp vùng Judea.

Năm 67, Cestius Callus, thống đốc vùng Syria lân cận đem 2 vạn quân đến Judea dẹp loạn. Sau 6 tháng vây thành Jerusalem, Callus thất bại. 6.000 binh sĩ La Mã tử trận, gồm 5300 bộ binh và 380 kỵ binh. Các vũ khí của quân La Mã được người Do Thái thu hồi để sử dụng trong các cuộc phòng vệ sau này.

Nero, hoàng đế thứ 5 của La Mã điều Vespasian, một danh tướng thiện chiến và rất có ảnh hưởng lúc bấy giờ đến Judea dẹp loạn.

Vespasian đánh tan phong trào nổi dậy của người Do Thái ở vùng Galilee (nay là phía bắc Israel) và các vùng lân cận. Đại quân La Mã do Vespasian chỉ huy bao vây thành Jerusalem.


Tái hiện một phần bức tường thành Jerusalem.

Nhưng trước khi công thành, Vespasian nhận được tin dữ từ Rome. Hoàng đế Nero đột ngột qua đời, Vespasian rơi vào cuộc tranh đoạt quyền lực khi các đại quân La Mã ở các tỉnh phía đông đều coi ông là hoàng đế.

Vespasian lên ngôi hoàng đế vào năm 70, quay trở về Rome. Ông giao cho con trai là Titus tiếp tục cuộc chinh phạt vùng Judea.

Sau 4 năm giành quyền tự chủ từ tay người La Mã, cộng đồng người Do Thái ở Jerusalem không đề ra được phương hướng chiến lược cụ thể, thậm chí xảy ra xích mích nội bộ, dẫn đến quân đội có kỷ luật kém, không sẵn sàng cho các trận chiến về sau.

Trận vây thành đẫm máu nhất lịch sử cổ đại

Titus đem 7 vạn quân La Mã, gồm 4 quân đoàn thiện chiến, bắt đầu vây thành Jerusalem vào ngày 14/4/70. Đó cũng là lúc rất nhiều người Do Thái hành hương từ nơi xa đến để tham gia Lễ Vượt Qua (Passover).

Thời điểm cuộc vây thành diễn ra, Jerusalem được phòng thủ bởi gần 4 vạn quân được trang bị khá tốt. Tường thành cực kỳ kiên cố, được chia làm 3 lớp, với lớp vành đai cuối cùng bảo vệ Đền Thánh.

Titus áp dụng chiến thuật vây thành kinh điển thời bấy giờ là chặn mọi nguồn tiếp tế từ bên ngoài.

Theo ghi chép của sử gia nổi tiếng người Do Thái Josephus (37-100), Titus hết sức cẩn thận trong việc đề ra chiến lược công thành. Các quân đoàn La Mã tập hợp theo vị trí dọc theo các bức tường phía bắc và phía tây, binh sĩ được chia làm bảy hàng, kỵ binh ở ba hàng phía sau và cung thủ ở giữa.

Sau khoảng một tháng, chờ đến khi cư dân trong thành rơi vào cảnh đói khát, Titus bắt đầu hành động. Titus đưa đến Jerusalem một loại vũ khí công thành mà người Do Thái chưa từng thấy, đó là cỗ xe chuyên dụng để phá vỡ tường thành.

Ở 3 địa điểm khác nhau, các xe công thành đồng loạt tấn công. Người Do Thái dũng cảm chiến đấu vào ban ngày, ban đêm cố gắng gia cố các bức tường ngày càng suy yếu.


Con đường tiến công thành Jerusalem năm 70 của quân La Mã.

Đến một thời điểm, lớp tường thành đầu tiên sụp đổ, Titus cùng đội quân tinh nhuệ xông thẳng vào trong.

“Người Do Thái buộc phải rút về tuyến phòng thủ đằng sau lớp tường thứ hai. Titus tiếp tục ra lệnh công thành. Trong 5 ngày, giao tranh trở nên ác liệt hơn bao giờ hết. Người Do Thái chiến đấu như thể họ sẵn sàng hi sinh bản thân để đánh bại kẻ thù”, sử gia Josephus chép lại.

Đợt công thành thứ hai dễ dàng hơn, Titus chỉ mất 5 ngày để buộc quân Do Thái phải rút khỏi lớp tường thành thứ hai.

Titus ban đầu ra lệnh ra lệnh cho các binh sĩ La Mã không được đốt nhà, không tàn sát dân thường. Nhưng phe chủ chiến của người Do Thái vẫn muốn chiến đấu, họ tìm cách đánh úp quân La Mã từ khắp mọi nơi.

Sau 3 ngày tiếp theo, người Do Thái bị đẩy về tuyến phòng thủ cuối cùng, bảo vệ Đền Thánh. Titus không hề vội vàng, cho binh sĩ nghỉ ngơi, kiểm tra lại giáp trụ, cũng như trả lương cho binh sĩ đầy đủ.

“Tình cảnh khi đó hết sức tồi tệ, nạn đói xảy ra ở khắp nơi. Nhiều người phải ăn thịt chính đồng loại để sinh tồn. Những người lẻn ra ngoài tìm kiếm thức ăn liền bị lính La Mã bắt sống, tra tấn và đem đóng đinh trên thánh giá”, sử gia Joephus chép lại.

Trong trận công thành đẫm máu này, Joephus được Titus cử làm sứ giả đàm phán nhưng người Do Thái kiên quyết không đầu hàng.


Trận đánh trở thành một cuộc tàn sát người Do Thái.

Sau nhiều lần tìm cách phá vỡ bức tường thứ 3 nhưng không thành, Titus chuyển sang chiến thuật đánh úp vào ban đêm. Giao tranh trên một đoạn tường thành diễn ra suốt từ đêm kéo sang ban ngày, nhưng quân La Mã đã kiểm soát được một phần tường thành, từ đó từng bước đẩy lùi tuyến phòng thủ người Do Thái.

Mất quyền kiểm soát lớp tường thành thứ 3, mọi nỗ lực phòng thủ đã thất bại. Josephus chép rằng Titus muốn bảo tồn Đền Thánh, nhưng các binh sĩ vì quá tức giận vì đối phương ngoan cố nên đã đốt đền thờ. Đến ngày 8/9/70, thành Jerusalem chính thức thuộc về quyền kiểm soát của quân La Mã.

Josephus chép rằng hơn 1,1 triệu người thiệt mạng trong trận đánh thành đẫm máu nhất lịch sử cổ đại. Sử gia Do Thái giải thích số người chết lớn bất thường là do bao gồm những người hành hương đến Jerusalem trong Lễ Vượt Qua. Một số lượng lớn người hành hương bị mắc kẹt trong thành phố và bỏ mạng.

Những người thuộc phe nổi dậy, người già và người ốm yếu đều bị lính La Mã sát hại, chỉ có 97.000 người bị bắt làm nô lệ.

Nhà sử học người Mỹ Seth Schwartz từng đưa ra nhận định vào năm 1984, rằng Josephus có thể nói quá về con số người chết, cũng như các ghi chép của sử gia này có phần thiên vị cho đế chế La Mã.

Sau khi thành Jerusalem sụp đổ, Josephus theo quân La Mã trở về Rome, trở thành công dân La Mã. Ông dành quãng thời gian còn lại của cuộc đời để ghi chép về lịch sử của người Do Thái.

Cập nhật: 14/12/2024 Theo Dân Việt
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video