Tối 16/2 (giờ địa phương), từ trung tâm vũ trụ Plessetsk của Nga, một vệ tinh quan sát đại dương đầu tiên của Liên minh châu Âu (EU), với tên gọi Sentinel 3A, đã được phóng lên không gian.
Vệ tinh nặng 1.200kg do chi nhánh Bỉ của tập đoàn Thalès Alenia Space sản xuất, sẽ cho phép châu Âu có thể thường xuyên theo dõi các vấn đề về đại dương cả ngày lẫn đêm thông qua việc đo độ cao của sóng, nhiệt độ và vận tốc gió.
Hoạt động theo dõi đại dương đóng một vai trò quan trọng, giúp hiểu rõ hơn về tình trạng biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, một thiết bị khác được thử nghiệm tại Trung tâm không gian Liège sẽ giúp quan sát màu sắc nước biển cùng sự phát triển của thực vật nổi - điểm mấu chốt trong đời sống đại dương và là yếu tố đầu tiên tạo khí oxy cho hành tinh.
Hoạt động theo dõi đại dương đóng một vai trò quan trọng, giúp hiểu rõ hơn về tình trạng biến đổi khí hậu, cũng như việc áp dụng các thỏa thuận đạt được tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) ở Paris (Pháp) hồi tháng 12 năm ngoái. Ngoài ra, hoạt động này còn góp phần vào việc phát triển các dịch vụ thương mại, chẳng hạn như giúp nắm bắt được dòng chảy để sắp xếp các tàu thuyền hoặc bố trí hợp lý việc đánh bắt cá.
Dự kiến, từ nay đến năm 2019, Cơ quan khai thác vệ tinh khí tượng châu Âu sẽ quản lý tổng cộng sáu vệ tinh Sentinel có tên gọi Copernicus.
Với chương trình dân sự giám sát Trái Đất do Ủy ban châu Âu và Cơ quan Vũ trụ châu Âu tài trợ, EU muốn khẳng định đi đầu thế giới trong các sứ mệnh bảo vệ môi trường.