Để dập tắt một ngọn đuốc khổng lồ cao 70m từ mỏ khai thác gas các nhà khoa học Liên Xô cũ đã dùng một đầu đạn hạt nhân gấp đôi quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hirosima (Nhật Bản).
Năm 1956, sau khi phát hiện mỏ khí đốt lớn gọi là gasli ở tỉnh Bukhara, Uzberkistan trong gần 20 năm trở thành khu vực khai thác khí đốt chủ yếu của Liên Xô. Mỏ nổi tiếng nhất ở vùng lãnh thổ này là Urta-Bulak, song vào những năm 1960 đã xảy ra sự kiện đáng buồn với nó.
Ngọn lửa không thể dập tắt
Tai hoạ chưa từng có thời gian này ở Urta-Bulak (dịch từ tiếng Uzbek, tên gọi của địa điểm này có nghĩa là “mạch giữa”, nhưng vì tai nạn nên Urta-Bulak và vùng xung quanh nó biến thành sa mạc lửa...) xảy ra ngày 1/12/1963. Trong khi khoan, dòng khí tự nhiên mạnh phun vọt lên. Thoạt đầu, nó phun vào lớp vỉa với áp lực và hàm lượng dihydro sunfua cao bất thường, sau đó phun vọt lên bề mặt và bắt đầu bốc cháy. Nó tạo nên một cây đuốc khổng lồ chiều cao đạt tới 70m.
Ảnh chụp "bó đuốc" ở Urta-Bulak, xảy ra ngày 1/12/1963.
Vì lượng dự trữ khí tự nhiên dồi dào nên nó không thể tự tắt, mà dập nó bằng những biện pháp thông thường là không thể. Nhiệt độ cao không cho phép tiếp cận gần mục tiêu 250m. Tháp khoan đổ sập, thiết bị bảo vệ miệng giếng khoan bị phá huỷ hoàn toàn. Khi bó đuốc Urta-Bulak nuốt chửng những công trình này, ngọn lửa cháy càng mạnh hơn.
Cuộc chiến với ngọn lửa kéo dài suốt hơn 3 năm, nhưng không đem lại kết quả. Mọi phương pháp chữa cháy nổi tiếng trước đây, trong đó có cả biện pháp dùng các loạt đạn pháo, cũng không thể giải quyết được vấn đề. Khu vực xung quanh Urta-Bulak biến thành vùng đất bị thiêu huỷ rộng lớn.
Chỉ huy chiến dịch dập tắt đám cháy Camil Mangushev nhớ lại: “Tất cả những gì có thể cháy được ở xung quanh đã cháy rất lâu. Hiện tại đó là vùng đất chết bị nung nóng thực sự. Ở đây không có chỗ cho sinh vật sống. Hàng đêm những đàn chim di cư và các đám mây côn trùng bị ánh sáng thu hút đã lao vào vũ điệu lửa tử thần này và khi rơi xuống chúng bị cháy thiêu trước khi kịp chạm xuống đất”.
Bó đuốc Urta-Bulak đã được đưa lên bản đồ bay của các hãng hàng không cho tất cả các chuyến bay đến Ấn Độ và Đông Nam Á. Phải rất khó khăn người ta mới dùng máy ủi để ủi cát đắp được gờ hào bảo vệ bằng cát xung quanh bó đuốc này. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế, không đảm bảo an toàn hoàn toàn.
Bước đi mạo hiểm
Cùng với thời gian mọi thứ trở nên rõ ràng hơn: để dập tắt đám cháy buộc phải đi đến các biện pháp khác thường. Các nhà bác học cho rằng có thể dùng vụ nổ hạt nhân để chế ngự ngọn lửa. Việc nghiên cứu dự án được giao cho Phòng công trình số 11 (KB-11) ở thành phố Sarov tỉnh Nizhegorod. Các nhân viên của KB đã nghiên cứu việc sử dụng vũ khí hạt nhân vào các mục đích hoà bình.
Chính họ trong năm 1965 đã đảm bảo tiến hành vụ nổ nhiệt hạch công nghiệp đầu tiên của Liên Xô. Trước khi bắt đầu công việc, Camil Mangushev đã tư vấn các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nguyên tử, trong số đó có chủ tịch Học viện khoa học vật lý Mstistav Keldưsh. Nghiên cứu chi tiết đề tài, các nhà bác học đi đến kết luận: chỉ có thể dập các dòng khí đang phun trào bằng cách cho nổ đầu đạn nhiệt hạch, để nó vùi lấp kênh giếng khoan trong lòng đất.
Từ một phía, bước di này được cho là an toàn vì bên cạnh giếng khoan đang cháy là sa mạc không người. Mặt khác, không quá xa là các thành phố Turkmenabad, Cagan, Caracul và Caraul-Bazar. Còn ở khoảng cách gần 200km là trung tâm tỉnh rất đông dân cư Bukhara, một trong các thành phố đẹp nhất và cổ kính nhất của Uzbekixtan và Trung Á nói chung. Dù sao vẫn phải quyết định mạo hiểm. Dích thân Brezhnev xác định ngày nổ trong lòng đất: 30/9/1966. Đến thời điểm đó bó đuốc Urta-Bulak đã cháy 1074 ngày.
Đầu đạn hạt nhân được chế tạo ở Sarov dưới sự chỉ huy của trưởng phòng KB-11 Vladimir Lebedev. Chịu trách nhiệm về vụ nổ là uỷ ban được thành lập đặc biệt dưới sự chỉ đạo của bộ trưởng “chế tạo máy tầm trung” (ngành công nghiệp nguyên tử được gọi bí mật như vậy) Ephim Slavski. Vào ngày được ấn định đầu đạn hạt nhân công suất 30 kiloton - lớn gấp hai lần quả bom “Cậu bé” Mỹ ném xuống Hirosima - được đưa theo hầm lò nghiêng xuống lòng đất ở độ sâu 1.500m. Vì gần đám cháy và nhiệt độ rất cao nên luôn phải làm lạnh đầu đạn.
Cuối cùng vụ nổ rung chuyển trong lòng đất đã xảy ra, sau khoảng nửa phút ngọn lửa biến mất hoàn toàn. Vụ nổ đã làm xê dịch các lớp đất đá nham thạch và chúng đã vùi lấp giếng khoan. Mọi chuyện kết thúc tốt đẹp.
Thành tích ở Urta-Bulak được đánh giá cao trong chính phủ Liên Xô. Camil Mangushev và các đồng nghiệp được tặng thưởng giải thưởng quốc gia và phương pháp họ phát minh ra được quyết định sử dụng trong cuộc đấu tranh với các đám cháy lớn ở các xí nghiệp khai thác dầu khí khác. Sau một năm rưỡi đã dập được ngọn lửa ở mỏ khí Pamuc (lại ở Uzbekixtan), còn trong năm 1972 tại mỏ Maixc ở tỉnh Marưi của Turkmenia.