Lộ diện loài thông mới ở Việt Nam cả thế giới chưa biết

Các nhà khoa học Việt Nam vừa phát hiện ra một loài thông mới, chưa từng được biết đến trên thế giới.

>>> Phát hiện loài chuối hoang dã mới tại Ấn Độ

Phát hiện này sẽ được đăng trên tạp chí thực vật học Nordic số ra sắp tới. Theo đó, loài thông mới mang tên đầy đủ Pinus cernua L. K. Phan ex Aver., K. S. Nguyen & T. H. Nguyen sp. nov., là một loài thông 5 lá mọc ở khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha - Sơn La.


Thông 5 lá rủ và nón cái trưởng thành của chúng - (Ảnh: Nguyễn Sinh Khang)

Loài này trước đây từng bị định loại nhầm là thông trắng Trung Quốc (Pinus armandii) hoặc thông trắng Hải Nam (Pinus fenzeliana).

Gần đây, các nhà thực vật Việt Nam, Nga và Lào đã thu thập thêm được mẫu vật của loài này ở tỉnh Hủa Phăn (Houaphan) - Lào (khu vực giáp ranh với tỉnh Sơn La), và đây chính là bằng chứng khoa học để các nhà thực vật minh định lại tên loài này.

Các nhà khoa học tạm gọi loài thông này là thông 5 lá rủ vì đặc điểm những cành nhánh và lá kim dài rủ xuống. Đây cũng là đặc trưng tạo nên vẻ đẹp riêng biệt của chúng.


Khu vực phân bố của thông 5 lá rủ là những vách đá dựng đứng - (Ảnh: Nguyễn Sinh Khang)

Thông 5 lá rủ mọc ở các vách đá dựng đứng của rừng hỗn giao nơi có độ cao 1.000-1.500m so với mặt biển. Chúng thường mọc chung với các loài thông khác như pơmu, thông nàng, và thông tre.

Theo các nhà khoa học, vùng phân bố của Pinus cernua rất hẹp, ước chừng dưới 80km2. Thêm vào đó, vòng đời để tạo ra thế hệ mới của loài này ước tính khoảng 50 năm; và trong khoảng thời gian đó thì khoảng 25% quần thể đã bị tiêu diệt.

Ngoài ra, các nguyên nhân về mất sinh cảnh sống cũng là mối đe doạ lớn đối với chúng. Chính vì vậy, thông 5 lá rủ được đề nghị tình trạng bảo tồn là Rất nguy cấp - CR (Critically Endangered) theo tiêu chuẩn quốc tế của IUCN.

Thông 5 lá rủ Pinus cernua cao 20-30m, đôi khi cao đến 35m, đường kính thân từ 0,4-0,8m, có khi lên đến 1 m. Chùm lá kim gồm 5 lá, dài từ 15-20cm. Nón cái hình trứng, đơn độc hoặc tập trung từ 2-6 nón, khi trưởng thành có chiều cao 8-11cm, đường kính 5-7cm.

Khu vực phân bố loài này đã từng được biết đến ở tỉnh Sơn La của Việt Nam, tuy nhiên chúng lại phổ biến hơn ở tỉnh Hủa Phăn của Lào, khu vực núi Pha Luông, biên giới giáp với Sơn La. Ngoài ra, chúng cũng có thể tìm thấy tại Hải Nam của Trung Quốc.

Hiện Việt Nam có khoảng trên dưới 34 loài thông mọc tự nhiên, trong đó có nhiều loài hiếm và nguy cơ tuyệt chủng cao, cần được bảo vệ, như thông 5 lá rủ, thông nước (Glyptostrobus pensilis) ở Đắk Lắk, bách vàng việt (Xanthocyparis vietnamensis) ở Hà Giang hay thông đỏ (Taxus wallichiana)...

Theo Tuổi Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video