Loài cây trốn nắng ký sinh trên nấm

Một loài thực vật có hoa được phát hiện tại Nhật Bản dành phần lớn thời gian sống ẩn mình dưới lòng đất và đánh cắp chất dinh dưỡng từ nấm để tồn tại thay vì quang hợp như các loài thông thường.

Theo New Scientist, trong tháng 10/2015, giáo sư Suetsugu Kenji tại Đại học Kobe phát hiện loài thực vật chưa được ghi nhận trước đây khi khảo sát rừng thường xanh trên đảo cận nhiệt đới Yakushima, Nhật Bản. Sau đó, Kenji tiến hành kiểm tra và phân tích chi tiết đặc điểm hình thái của cây.


Hoa hình sao màu tím của loài cây ký sinh mới phát hiện trên đảo Yakushima. (Ảnh: Yamashita Hiroaki).

Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Thực vật học Nhật Bản ngày 20/2, loài thực vật có hoa mới mang tên Sciaphila yakushimensis, đặt theo nơi phát hiện ra nó là đảo Yakushima. Ban đầu, các nhà khoa học nhầm Sciaphila yakushimensis với một loài khác tên Sciaphila japonica. Sau khi phân tích tổng thể, họ rút ra kết luận chúng là hai loài hoàn toàn khác nhau.

Sciaphila yakushimensis có thân dài 3 - 9cm và chỉ xuất hiện trên mặt đất khi cây ra hoa. Trong quá trình bung nở, những bông hoa hình sao màu tím được đẩy nhú lên khỏi mặt đất. Mỗi cây có từ 9 - 15 bông hoa.

Loài thực vật này không quang hợp và lấy lượng carbon cần thiết từ vật ký sinh là nấm. Theo đó, cây sẽ hút chất dinh dưỡng từ sợi rễ nấm ở gần nó và hấp thụ vào bên trong thân cây thông qua những rễ cây nhiều lông. Đây là trường hợp cực hiếm gặp mà các nhà khoa học gọi là thực vật dị dưỡng cộng sinh nấm (mycoheterotrophs).

Theo Kenji, Sciaphila yakushimensis tiến hóa theo lối sống ký sinh nhằm thích nghi với môi trường sống dưới tán rừng, nơi ánh sáng Mặt Trời rọi tới nền đất rất ít, không đủ để cây tiến hành quang hợp. Việc phát triển dưới lòng đất còn giúp cây giảm nguy cơ trở thành mục tiêu của động vật ăn cỏ.

Phát hiện góp phần tái khẳng định giá trị sinh thái của rừng thường xanh đất thấp trên đảo Yakushima. Kenji cho biết ông chỉ tìm thấy hai khoảnh nhỏ Sciaphila yakushimensis đang phát triển nên liệt kê loài cây này vào nhóm "cực kỳ nguy cấp".

Cập nhật: 23/02/2016 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video