Một loài giun đũa mới được phát hiện trên đảo Reunion ở Ấn Độ Dương phát triển 5 gương mặt với phần miệng riêng biệt để tiêu hóa những loại thức ăn khác nhau.
Theo Nature World News, loài giun độc đáo sống bên trong cây sung. Lúc đầu, các nhà nghiên cứu đến từ Viện Sinh học Phát triển Max Planck cho rằng họ tìm thấy 5 loài giun bởi phần miệng của mỗi con quá khác biệt. Tuy nhiên, sử dụng kỹ thuật giải trình tự gene, họ kết luận những con giun thuộc cùng một loài và đặt tên cho chúng là Pristionchus borbonicus. Nghiên cứu được công bố hôm 1/1 trên trang web của Viện Max Planck.
Hai trong số 5 hình thái miệng của giun đũa Pristionchus borbonicus. (Ảnh: Viện Max Planck).
"Các hình thái miệng khác nhau của loài Pristionchus borbonicus được dành riêng để tiêu hóa vi khuẩn, men hoặc các loài giun đũa khác. Rõ ràng, chúng phân bố ở những khu vực sinh thái khác nhau bên trong cây sung", Ralf Sommer, Trưởng khoa Sinh học tiến hóa, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết. "Với đặc tính chuyên môn hóa này, loài vật có thể khai thác nhiều loại thức ăn và tồn tại trong những thời kỳ nguồn thức ăn không ổn định bằng cách thay đổi hình thái miệng".
Trước đây, các nhà nghiên cứu phát hiện những con giun thuộc loài Pristionchus sống trên lưng bọ cánh cứng phát triển hai kiểu miệng khác biệt tùy theo nguồn thức ăn sẵn có và môi trường sống. Một kiểu miệng rộng và ngắn thích hợp để săn mồi, trong khi kiểu còn lại dài và hẹp, cho phép loài vật ăn vi khuẩn.
Phát hiện trong nghiên cứu mới cung cấp một ví dụ về sự tiến hóa riêng rẽ trong cùng một loài. Loài giun đũa tương tự sống trên cây sung cũng tồn tại ở Việt Nam và Nam Phi. Theo các nhà khoa học, chúng tiếp cận cây sung thông qua những con ong thụ phấn.