Với định hướng tìm kiếm loại vật liệu từ khoáng chất tự nhiên để xử lý asen (thạch tín) làm ô nhiễm nước, GS.TS Trần Hồng Côn và cộng sự tại khoa hóa Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) tìm ra nguyên liệu đất sét, đá ong, đá son (limônit) đã được biến tính để chế tạo thành công thiết bị xử lý asen trong nước sinh hoạt.
TS Trần Hồng Côn với thiết bị lọc nước nhiễm asen cỡ nhỏ - (Ảnh: T.Hà) |
Bình lọc có cấu tạo như các bình lọc thông thường nhưng bộ cột lọc có tính năng oxy hóa và hấp thụ để giữ lại asen. Thiết bị lọc này có cấu tạo rất đơn giản, gồm một chiếc thùng có hai ngăn bằng inox. Ngăn thứ nhất (đầu vào) chứa một cột lọc với kích cỡ 75m3 hoặc 300m3 nước. Khi nước chảy qua cột lọc, asen trong nước bị oxy hóa, các hạt đất sét, đá ong và đá son biến tính trong đó sẽ giữ lại asen và mangan. Nước sạch sẽ chảy vào thùng thứ hai, có thể sử dụng.
Với thiết bị nói trên, asen thu hồi triệt để có thể sử dụng vào mục đích khác hoặc đem chôn lấp an toàn. Thiết bị này cũng đã được thử nghiệm để lọc nước giếng khoan tại khu tập thể 51 Cảm Hội, phường Đống Mác, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội trong mười ngày liên tục. Kết quả cho thấy trước khi lọc nồng độ asen trong nước tại khu vực trên dao động từ 0,186-0,198mg/l vào mùa khô, sau khi xử lý còn nhỏ hơn 0,01mg/l, dưới giới hạn cho phép của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và tiêu chuẩn VN về asen.
Theo tính toán, thiết bị xử lý asen qui mô hộ gia đình bằng inox có dung tích 20 lít, phục vụ nhu cầu nước ăn uống, giá thành không cao, từ 300.000-400.000 đồng/bình. Trung bình một năm phải thay cột hấp thụ một lần với chi phí khoảng 20.000 đồng.
Có thể liên hệ tiến sĩ Trần Hồng Côn, khoa hóa Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội, 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội, ĐT: 04.8245527 - 0989092396.
THANH HÀ