Lupus ban đỏ - Căn bệnh nguy hiểm ít được biết đến

Hệ miễn dịch giúp cơ thể chống lại sự xâm nhập của tác nhân lạ. Mắc lupus ban đỏ hệ thống, hệ thống miễn dịch mất khả năng phân biệt lạ - quen và chống lại cơ thể.

Tìm hiểu về bệnh lupus ban đỏ

Lupus ban đỏ hệ thống thường được gọi đơn giản là bệnh lupus, được mô tả lần đầu tiên vào năm 1845 bởi Hebra. Đây là một bệnh tự miễn mãn tính, không rõ nguyên nhân, gây tổn thương hầu hết các hệ cơ quan trong cơ thể và trong trường hợp nặng, có thể đe dọa tính mạng người bệnh. Ở người mắc lupus ban đỏ hệ thống, hệ miễn dịch không giúp cơ thể chống lại sự xâm nhập của các tác nhân lạ, gây bệnh mà quay ra chống lại cơ thể bằng cách sinh ra các kháng thể kháng lại các tế bào của hầu hết các cơ quan.

Lupus là từ La tinh, có nghĩa chó sói, xuất phát từ việc người bệnh thường có ban đỏ đặc trưng ở mặt giống như hình vết cắn của chó sói. Từ ban đỏ để chỉ một dấu hiệu phổ biến ở hầu hết các bệnh nhân mắc bệnh này. Từ hệ thống được sử dụng do bệnh gây ảnh hưởng đến phần lớn các hệ thống cơ quan trong cơ thể.

Lupus ban đỏ hệ thống là vấn đề toàn cầu, với hàng triệu người mới mắc hàng năm trên thế giới nhưng xã hội còn ít biết đến sự tồn tại của nó. Theo nghiên cứu của Hội Lupus Mỹ, hiện nay nước này có khoảng 2 triệu người bệnh lupus ban đỏ hệ thống, số người chết do bệnh tăng từ 879 năm 1979 lên 1.046 năm 2002 và 40% bệnh nhân đã phải nghỉ việc.

Ở Việt Nam, theo nghiên cứu của Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, nơi chủ yếu tiếp nhận điều trị bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống ở các tỉnh phía bắc, bệnh nhân mắc bệnh này vào điều trị tại trung tâm luôn chiếm số lượng đông nhất với 400-500 người mỗi năm, chiếm hơn 1/3 tổng số bệnh nhân điều trị nội trú.


Bệnh nhân điều trị lupus ban đỏ hệ thống tại Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: MT).

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây bệnh chính thức không được biết rõ, người ta cho rằng lupus ban đỏ hệ thống được gây ra do sự phối hợp của nhiều yếu tố, trong đó đặc biệt quan trọng là các yếu tố:

  • Di truyền: Anh chị em ruột của các bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 20 lần so với người thường.
  • Môi trường: Do nhiễm khuẩn, tiếp xúc với hoá chất, ánh nắng mặt trời...
  • Nội tiết: Bệnh gặp chủ yếu ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (nhiều hơn gấp 9 lần so với nam giới). Sau khi mãn kinh, cả tỷ lệ mắc và mức độ của bệnh đều giảm rõ rệt, còn trong thời kỳ mang thai bệnh thường nặng lên.

Biểu hiện của bệnh

Các triệu chứng của lupus ban đỏ hệ thống có thể xuất hiện đột ngột hoặc từ từ sau nhiều tháng, nhiều năm. Do ảnh hưởng đến hầu hết các cơ quan trong cơ thể nên triệu chứng của bệnh hết sức đa dạng và thường nặng lên vào các tháng mùa đông. Có lẽ do hậu quả của sự tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời trong thời gian mùa hè trước đó.

Hơn 90% số bệnh nhân đến khám có các biểu hiện không đặc hiệu như gầy sút, mệt mỏi, sốt nhẹ, rụng tóc, viêm loét miệng, đau các khớp nhỏ. đau mỏi cơ, rối loạn kinh nguyệt. Khoảng 3/4 số bệnh nhân thấy nổi các ban đỏ bất thường trên da, trong đó hay gặp nhất là ban cánh bướm ở mặt, một dấu hiệu rất đặc trưng của lupus ban đỏ hệ thống (ban đỏ ở 2 gò má bắc cầu qua sống mũi).

Những tổn thương nội tạng như ở tim (tràn dịch màng tim, viêm cơ tim), ở phổi (tràn dịch màng phổi, viêm phổi), ở thận (viêm cầu thận), ở hệ thần kinh (co giật, rối loạn tâm thần), ở hệ tạo máu (thiếu máu, xuất huyết) thường xuất hiện trong giai đoạn toàn phát của bệnh ở khoảng 50-85% số bệnh nhân và là những nguyên nhân chủ yếu gây tử vong. Các triệu chứng này thường diễn biến thành từng đợt xen kẽ giữa những thời gian lui bệnh.

Trong giai đoạn đầu của bệnh, các triệu chứng thường mơ hồ và giống với nhiều bệnh lý khác cho nên kể từ lúc có những triệu chứng đầu tiên cho đến khi bệnh được chẩn đoán chính xác có thể phải mất vài năm.

Điều trị bệnh

Lupus ban đỏ hệ thống không thể điều trị khỏi hoàn toàn nhưng có thể kiểm soát được nếu điều trị đúng. Mục đích chính của việc điều trị này là nhằm giảm thiểu triệu chứng và hạn chế các tổn thương nội tạng nặng. Trong giai đoạn bệnh đang cấp, người bệnh cần được tăng cường nghỉ ngơi nhưng vẫn cần một chế độ vận động hợp lý để tránh teo cơ và cứng khớp.

Các thuốc chống viêm giảm đau không phải steroid (NSAIDs) như Aspirin, Ibuprofen, Naproxen, Nimesulide có hiệu quả tốt với các triệu chứng ở cơ và khớp. Tác dụng phụ thường gặp nhất của chúng là gây viêm loét dạ dày tá tràng và để hạn chế tối đa tác dụng phụ này chúng nên được dùng trong bữa ăn.


Bệnh này không thể điều trị khỏi hoàn toàn nhưng có thể kiểm soát được nếu điều trị đúng.

Các loại corticosteroid như: prednisolone, methylprednisolone (Solu-medrol, Medrol), prednisone (Cortancyl), betamethasone (Celeston) có tác dụng chống viêm mạnh hơn nhóm NSAIDs nhưng cũng nhiều tác dụng phụ hơn và chỉ dùng trong trường hợp bệnh nặng có tổn thương nội tạng. Các tác dụng phụ thường gặp của nhóm thuốc này là viêm loét dạ dầy tá tràng, tăng đường máu, loãng xương, rạn da, tăng nguy cơ nhiễm trùng, ức chế tuyến thượng thận. Chúng nên được uống một lần sau bữa ăn sáng.

Các thuốc chống sốt rét như Hydroxychloroquine, Chloroquine có hiệu quả khá tốt với các tổn thương ở da và khớp. Các thuốc ức chế miễn dịch như azathioprin (Imuran), cyclophosphamide (Endoxan), cyclosporin (Sandimmun) chỉ dùng trong những trường hợp nặng không đáp ứng với corticosteroid đơn thuần do chúng thường có rất nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.

Cho đến nay, chưa có một loại thuốc đông dược nào chứng minh được hiệu quả rõ rệt trong điều trị lupus ban đỏ hệ thống. Do đó, người bệnh nên hết sức thận trọng khi sử dụng các thuốc này vì chúng cũng có thể gây ra nhiều tác dụng không mong muốn, thậm chí có thể đe doạ tính mạng của họ.

Làm thế nào để dự phòng các đợt cấp của bệnh

Người bị mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống cần có một cuộc sống lành mạnh, năng vận động, ít sang chấn tâm lý. Ngoài ra, tia tử ngoại trong ánh nắng mặt trời thường khởi phát hoặc làm nặng các đợt cấp của bệnh nên cần được tránh tiếp xúc tối đa. Việc ngừng đột ngột các thuốc, đặc biệt corticosteroid cũng là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến các đợt cấp của bệnh và do đó cũng cần được tránh.

Cập nhật: 13/12/2023 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video