Lý do bác sĩ khuyên không nên uống rượu trên máy bay

Nghiên cứu mới cho thấy việc ngủ thiếp đi sau khi uống rượu trong môi trường áp suất trên máy bay có hại cho sức khỏe.

Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y khoa Thorax hôm 13/8 cho thấy trong môi trường áp suất không khí thấp của máy bay, oxy trong máu giảm, nhịp tim tăng lên. Theo tiến sĩ Ashish Sarraju, bác sĩ tim mạch tại Phòng khám Cleveland, nồng độ oxy máu thấp và nhịp tim tăng có nghĩa tim phải làm việc nhiều hơn để bù đắp lượng oxy sụt giảm.

Đối với người trẻ, loại căng thẳng này có thể tạo cảm giác hơi mệt mỏi. Tuy nhiên, ở những người mắc bệnh tim hoặc hô hấp, chẳng hạn suy tim, phổi tắc nghẽn mạn tính hoặc ngưng thở khi ngủ, tình trạng này có thể gây choáng váng và khó thở. Việc uống rượu làm tăng nguy cơ phải cấp cứu y tế trong suốt chuyến bay.

"Lượng rượu lớn vào cơ thể làm tăng nguy cơ biến chứng sức khỏe, khiến nhiều người phải đi cấp cứu, đặc biệt là người lớn tuổi có vấn đề sức khỏe từ trước đó. Phát hiện của chúng tôi cho thấy bạn nên hạn chế tiêu thụ đồ có cồn trên máy bay", nghiên cứu nêu rõ.

Để thực hiện phân tích, các chuyên gia đã chia 48 người trưởng thành, khỏe mạnh trong độ tuổi từ 18 đến 40 thành hai nhóm. Nhóm đầu tiên đến phòng thí nghiệm ngủ với áp suất không khí trên mực nước biển. Nhóm thứ hai đến buồng áp suất không khí tương tự trên máy bay đạt độ cao ổn định. Một số tình nguyện viên ngủ trong 4 giờ sau khi uống hai lon bia hoặc hai ly rượu vang. Những người còn lại ngủ mà không uống rượu.


Một số hãng bay phục vụ các loại rượu trong suốt chuyến bay. (Ảnh: Flickr).

Kết quả, ở những người uống rượu trước khi ngủ trong buồng mô phỏng máy bay, độ bão hòa oxy trong máu giảm xuống 95%, nhịp tim tăng lên 77 nhịp mỗi phút. Thông thường, người khỏe mạnh có độ bão hòa oxy máu từ 95% đến 100%, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ. Độ bão hòa xuống dưới mức 90% có thể làm tổn hại sức khỏe.

Thông qua nghiên cứu, các nhà khoa học khuyến nghị người dân cân nhắc kỹ nếu quyết định uống rượu trên máy bay, bởi các phản ứng "mạnh hơn dự đoán". Tiến sĩ Eva-Maria Elmenhorst, phó khoa Giấc ngủ và Con người tại Viện Y học Hàng không Vũ trụ, một trong những tác giả của công trình, thậm chí khuyên mọi người không uống rượu hoàn toàn khi lên máy bay.

Thực tế, ngay cả ở trạng thái bình thường, việc uống rượu gần giờ đi ngủ cũng gây ra nhiều vấn đề sức khỏe. Khi cơ thể phân hủy rượu vào ban đêm, chất lượng giấc ngủ kém đi. Nhiều người bị tỉnh dậy giữa đêm, thận cũng phải hoạt động nhiều hơn.

Cập nhật: 16/08/2024 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video