Cùng vài quốc gia ít ỏi trên thế giới, hiện giờ Hoa Kỹ vẫn sử dụng các đơn vì đo lường như feet, inch, pound thay vì km, m, kg, tại sao vậy?
Nếu là một người hay xem phim Hollywood hoặc đọc tin tức quốc tế, bạn sẽ để ý thấy một vài quốc gia, mà đại diện là Mỹ, lại sử dụng một hệ đo lường khác biệt hẳn với phần còn lại của thế giới.
Cụ thể, Mỹ đang sử dụng đơn vị dặm, feet, pound, inch v.v... thay vì km, m, kg (hệ đo lường quốc tế SI) quen thuộc với chúng ta. Điều này có thể thấy rõ trên các bản tin tài chính kinh doanh, bạn sẽ nghe thấy nhà đài thông báo giá 1 "gallon" dầu hiện giờ là bao nhiêu, hay giá 1 "ounce" vàng đang thay đổi thế nào mà không phải lít dầu hay kg vàng.
Có rất nhiều lý do để giải thích cho điều này, nhưng có một nguyên nhân thú vị mà không phải ai cũng biết đã ngăn Mỹ không thể áp dụng hệ đo lường mét, đó là bởi một vụ cướp biển vào năm 1794.
Mỹ không dùng hệ đo lường mét bởi một vụ cướp biển vào năm 1794.
Câu chuyện bắt đầu vào năm 1793, khi Hợp chủng quốc Hoa Kỳ bắt đầu nhận thấy nhu cầu tìm kiếm một hệ đo lường thống nhất để các sử dụng trên toàn quốc gia mình, bởi khi đó các bang tại Mỹ mỗi nơi lại áp dụng một hệ đo lường khác nhau, gây nhiều khó khăn cho giao thương buôn bán và tính toán chung. Ví dụ như New York dùng hệ đo lường của Hà Lan, trong khi New England lại dùng hệ đo lường Anh.
Bộ trưởng bộ ngoại giao Mỹ lúc bây giờ, ông Thomas Jefferson, đã tìm hiểu về một hệ thống đo lường mới của Pháp và cho rằng, đây chính là thứ mà nước Mỹ cần. Tuy nhiên, ông phải có đủ lập luận khoa học thì mới thuyết phục được Quốc Hội chấp nhận chuyển sang hệ đo lường Pháp.
Vì vậy, Jefferson đã gửi thư cho những người bạn của mình ở Pháp và đề nghị cử một nhà khoa học có tên Joseph Dombey sang Mỹ để ký một thỏa thuận nông nghiệp, nhưng quan trọng hơn, Jefferson cũng nhờ Dombey đem theo những ống trụ bằng đồng với một tay cầm nhỏ trên đầu.
Những ống trụ này thực chất được sử dụng để làm chuẩn đo lường cân nặng và chiều dài, là một phần của hệ thống đo lường trọng lượng đang phát triển tại Pháp đương thời, hay còn được gọi là hệ mét đang phổ biến ở thời hiện đại bây giờ. Trọng lượng và chiều dài của chúng tương đương với 1 kg và 1 mét.
Nhà khoa học Joseph Dombey nhanh chóng bắt đầu hành trình và mang theo sứ mệnh quan trọng. Tuy nhiên khi băng qua Đại Tây Dương, con tàu của Dombey đã gặp bão lớn, bị đẩy xa về phía Nam ở vùng biển Caribbean, một khu vực mà ai cũng biết có rất nhiều hoạt động của cướp biển diễn ra thời bấy giờ (qua phim Cướp biển vùng Caribbean).
Keith Martin, đại diện đến từ Viện tiêu chuẩn và Kỹ thuật Hoa Kỳ chia sẻ về sự kiện lịch sử này:
"Những tên cướp biển đó chính là những tàu tư nhân đến từ Anh. Về cơ bản, chúng là tội phạm đã được chính phủ ngầm hỗ trợ và giao cho nhiệm vụ quấy rối đường vận chuyển hàng hóa của kẻ thù".
Tàu của Dombey đã bị cướp biển chiếm đóng, chúng dự tính nhốt tù ông trên hòn đảo Montserrat để làm con tin và tìm kiếm tiền chuộc. Nhưng thật không may, Dombey đã tử nạn trong khi bị hải tặc bắt.
Còn món đồ quan trọng tượng trưng cho hệ mét thì sao? Cướp biển sau đó đã mang chúng đi bán đấu giá cùng một vài món đồ quý giá trên tàu. Cuối cùng, nó đã đến tay của một nhà khảo sát đất đai tại Mỹ ở thời điểm đó tên là Andrew Ellicott. Món đồ được truyền lại trong gia đình Ellicott cho đến năm 1952, khi Andrew Ellicott Douglas, một nhà thiên văn học, đã giao nó cho cơ quan tiền thân của Viện Tiêu chuẩn và Kỹ thuật Hoa Kỳ ngày nay.
Rất thú vị phải không? Và đây cũng chính là một trong những lý do chủ yếu giải thích vì sao nước Mỹ ngày nay lại không dùng hệ mét làm đơn vị đo lường. Trong cuốn sách "Measuring America", tác giả Andro Linklater cũng đã chỉ ra cơ hội ngàn vàng mà Mỹ đã đánh mất cùng chuyến hành trình của Dombey như sau:
"Hai vật thể được làm bằng đồng này rất dễ để sao chép để gửi đến mọi tiểu bang của Hoa Kỳ ở thời đó... và ngày nay, nước Mỹ đã có thể không phải là một trong những quốc gia cuối cùng không sử dụng hệ mét".