Một ngôi mộ cổ cách đây hơn 1.300 năm được tìm thấy ở Trung Quốc, trong đó người thứ 4 cách 3 người còn lại chôn chung mộ 700 năm tuổi.
Ngày 23-10, báo South China Morning Post (Hong Kong) đưa tin một nhóm nhà khoa học đã thực hiện nghiên cứu liên quan ngôi mộ nói trên, giúp ghép nối câu chuyện về một người đàn ông có thể đã bị sát hại 1.300 năm trước ở khu vực tây bắc Trung Quốc.
Các nhà khoa học đã tìm ra nguyên nhân có thể đứng sau cái chết của một người đàn ông ở Trung Quốc cách đây 1.300 năm - (Ảnh: Qian Wang).
Giả thuyết kẻ trộm mộ
Trong một báo cáo được công bố vào tháng 10 trên tạp chí Khoa Học Khảo Cổ Và Nhân Chủng Học (Anthropological and Archaeological Sciences), nhóm nhà khoa học nói trên đã trình bày chi tiết cách họ có thể xác định một loạt sự kiện từ 1.300 năm trước.
Nơi an nghỉ cuối cùng của người đàn ông nói trên là một ngôi mộ cổ ở nghĩa địa Shyanxi, thuộc khu tự trị Ninh Hạ, tây bắc Trung Quốc. Có 10 ngôi mộ khác ở nghĩa địa này.
Những người xây dựng đường ống dẫn khí đốt đã phát hiện nghĩa địa này vào năm 2002. Nghĩa địa được khai quật hai lần, vào năm 2009 và 2011.
Ngôi mộ được điều tra nói trên chứa hài cốt của 4 người: một người đàn ông, một phụ nữ, một đứa trẻ và một người thứ tư (nam giới). Cách bố trí trong mộ cho thấy ban đầu ngôi mộ này có thể là nơi chôn cất một gia đình giàu có. Người thứ tư dường như không liên quan đến gia đình này.
Một thông tin quan trọng là nghĩa địa Shyanxi từng bị đào trộm trong lịch sử. Hài cốt của người thứ 4 được tìm thấy trong một cái hố được những kẻ đào trộm mộ sử dụng.
Sau khi phân tích tuổi xương, họ xác định người đàn ông này "trẻ" hơn 3 người còn lại trong mộ tới 700 năm tuổi. Điều này khiến các nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng người đàn ông là một kẻ trộm mộ đã bị giết hoặc thiệt mạng do gặp tai nạn trong lúc trộm mộ.
Lúc đầu họ tin vào giả thuyết này. Họ lấy ví dụ một bộ xương từ thời nhà Minh (từ năm 1368 - 1644) - trẻ hơn 800 năm tuổi - cũng từng được tìm thấy trong một ngôi mộ được xây dựng dưới thời nhà Đường (năm 618 - 907). Bộ xương này được cho là của một người trộm mộ đã thiệt mạng khi ngôi mộ sụp trong lúc đào trộm.
Giấu chiếc lá vào khu rừng
Dựa trên giả thuyết người đàn ông là kẻ trộm mộ, nhóm nhà khoa học bắt đầu nghiên cứu bộ xương. Bộ xương được phát hiện trong tư thế nằm ngửa, với tay trái duỗi qua đầu và tay phải che mặt.
Bộ xương được phát hiện tách biệt với 3 người khác trong ngôi mộ - (Đồ họa: Qian Wang)
Khi kiểm tra bộ xương, nhóm nghiên cứu phát hiện 13 "dấu vết của vật nhọn hình chữ V" trên bộ xương. Các vết cắt nghiêm trọng nhất được phát hiện ở trên mặt. Các nhà khoa học cho biết những vết cắt đó có thể gây nhiều đau đớn và chảy máu, nhưng không gây tử vong.
Các vết thương có khả năng gây chết người xuất hiện ở xương sườn. Có thể các cuộc tấn công nào đó đã làm thủng một cơ quan quan trọng của nạn nhân như phổi hoặc tim.
Các dấu vết ở phía sau đầu cho thấy ông bị tấn công trong lúc quay đi. Cũng có các vết sắc nhọn trên chân và tay của người đàn ông, cho thấy người này có thể đã dùng tay chân để phòng vệ.
Các nhà khoa học nói rằng các vết thương là do một vật sắc nhọn gây ra. "Người này có thể đã chết ngay lập tức sau khi bị tấn công" - nhóm nghiên cứu viết.
Các nhà khoa học cho rằng, người đàn ông đã chết bên ngoài ngôi mộ và bị ném xuống hố dẫn vào ngôi mộ, hoặc ông bị rơi xuống hố và chết sau đó.
Điều quan trọng là cái hố này đã bị lấp đầy một nửa bằng đất và xác động vật. Đây là bằng chứng cho thấy cái hố không còn sử dụng trong một thời gian dài, có thể nhiều thế kỷ, trước lúc người đàn ông trên chết. Điều này có nghĩa là người đàn ông lúc đó không thể đi trộm mộ.
Cận cảnh những vết thương do một vụ tấn công gây ra ở người đàn ông cách đây 1.300 năm - (Ảnh: Qian Wang).
Nhóm nghiên cứu đã bỏ giả thuyết ban đầu và cho rằng người đàn ông là nạn nhân của một vụ giết người.
Khi điều tra vụ việc, các nhà khoa học cho rằng hung thủ đã tìm cách che giấu dấu vết bằng cách giấu xác của nạn nhân trong nghĩa địa này, hay nói ví von là "giấu một chiếc lá vào một khu rừng" để tránh bị phát hiện.
"Nhóm nghiên cứu cho rằng sau khi người đàn ông bị giết, thi thể ông đã bị bỏ vào ngôi mộ để che giấu tội ác" - giáo sư Wang Qian (tác giả chính của nghiên cứu) tại Khoa khoa học y sinh của Đại học Texas A&M (Mỹ) nói.
Người đàn ông bị sát hại nói trên sống trong triều đại nhà Đường, thời kỳ áp dụng cách tử hình để xử lý tội giết người hoặc hành hung người khác dẫn đến bị thương nặng. Nếu bị kết tội thời điểm đó, kẻ giết người sẽ bị chặt đầu hoặc treo cổ.