Malaysia sẽ là nước đầu tiên ở châu Á dùng muỗi biến đổi gen để chống lại căn bệnh sốt xuất huyết đang ngày càng gia tăng.
Ảnh mang tính minh họa. (Nguồn internet)
Theo chương trình, các nhà khoa học Malaysia sẽ thả các con muỗi đực đã được biến đổi gen trong phòng thí nghiệm vào môi trường để chúng giao phối với muỗi cái và sinh ra loại muỗi có tuổi thọ ngắn hơn do vậy sẽ ngăn chặn việc "tăng nhanh dân số" thủ phạm của căn bệnh chết người này.
Các nhà khoa học tỏ ra rất lạc quan trước kết quả thu được qua những cuộc thử nghiệm.
Bên lề hội nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) diễn ra tại Kuala Lumpur hồi đầu tuần, Thủ tướng Malaysia Najib Razak khẳng định rằng đây là một dự án thí điểm nhưng hy vọng nó sẽ lại mang lại kết quả khả quan.
Sốt xuất huyết là căn bệnh phổ biến ở châu Á và châu Mỹ Latinh. Người bị nhiễm bệnh có các triệu chứng biểu hiện như sốt cao, đau mình mẩy và buồn nôn nhưng nhiều trường hợp có thể dẫn tới xuất huyết bên trong, to gan, ngừng lưu thông máu và tử vong. Hiện thế giới chưa điều chế được thuốc chữa trị hay vắcxin phòng chống căn bệnh này.
Tại Malaysia, trong 10 tháng đầu năm nay đã có 117 người, trong số 37.000 ca nhiễm sốt xuất huyết, bị tử vong, tăng 65% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 10 năm qua, số các ca nhiễm sốt xuất huyết trên thế giới đã tăng gấp đôi.
Nhà chức trách Malaysia có kế hoạch thả từ 2.000-3.000 con muỗi biến đổi gen vào môi trường tại hai bang của nước này. Đây là lần đầu tiên dự án này được thực hiện ở châu Á nhằm chống lại sốt xuất huyết.
Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO Shin Young-soo đã hoan nghênh những nỗ lực này của Malaysia nhưng vẫn cảnh báo cần phải thận trọng khi thả một loại sinh vật mới vào môi trường.