Vào tháng 1, cô Tess Morten đã hạ sinh bé Molly tại Bệnh viện Hoàng gia Berkshire trong niềm hạnh phúc vô bờ bến sau 3 lần thụ tinh trong ống nghiệm thất bại. Được biết, Molly nặng 3,57kg khi ra đời.
Nhớ lại khoảnh khắc phát hiện ra điều kỳ diệu, cô Tess kể: “Bác sĩ nhìn vào màn hình quét bụng tôi và nói: "Buồng trứng của cô không vấn đề nhưng cô hãy nhìn cái gì này". Tôi nhìn vào màn hình và có thể nhìn thấy một em bé. Tôi nói: "Đây có phải là hình ảnh của tôi không?"… Tôi đã trải qua giai đoạn mãn kinh và không nghĩ rằng điều này có thể xảy ra. Tôi cảm thấy tôi đã được ban phước”.
Vợ chồng cô Tess Morten vui mừng đón chào thành viên mới vào đầu năm nay.
Tess chia sẻ cô và chồng cô, anh Neil, 52 tuổi, đã kết hôn tại Jamaica từ năm 2003. Họ từng tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm 3 lần trong 7 năm với chi phí hơn 20.000 bảng Anh (tương đương 615 triệu VNĐ), nhưng bất thành.
Trước trường hợp sinh nở hy hữu trên, Chủ tịch Hội sinh sản Anh, Adam Balen, đã phải thốt lên: “Tôi chưa nghe nói chuyện này xảy ra bảy năm sau mãn kinh. Thật đáng ngạc nhiên!”.
Các chuyên gia tin rằng sự rụng trứng của cô có thể đã quay lại sau khi sử dụng thuốc HRT (biện pháp hormone).
Bé Molly thực sự là một phép màu.
Trên thực tế, đã có một số trường hợp, phụ nữ trải qua thời kỳ mãn kinh sớm, vẫn có thể mang thai sau khi đang dùng HRT. Tuy nhiên, tỷ lệ xảy ra rất thấp.
Bác sĩ Geeta Nargund, người đứng đầu khoa sản tại Bệnh viện St George's, London từng chia sẻ: “Có rất ít trường hợp tự thụ thai sau khi phụ nữ dùng HRT. Trong quá khứ, chúng ta đã thấy nó xảy ra với những phụ nữ trải qua thời kỳ mãn kinh sớm. Tuy nhiên, cơ hội là rất thấp. Có thể, sự rụng trứng vẫn tiếp tục trong khoảng tuổi mãn kinh nhưng nó sẽ dừng hẳn sau khi thời kỳ mãn kinh kết thúc”.