Mạng lưới đường hầm tỷ đô bảo vệ Hong Kong khỏi ngập lụt

Nhờ xây đường hầm thoát nước dưới lòng đất, Hong Kong đã giảm đáng kể thiệt hại về người và của do mùa mưa bão hàng năm gây ra.

Bên dưới những ngọn núi trông ra khu trung tâm thương mại của Hong Kong, kỹ sư cấp thoát nước Alex Lau lội giữa dòng nước ngập tới chân đổ vào đường hầm khổng lồ cao gấp đôi xe buýt hai tầng. Nằm trong mạng lưới thoát nước trị giá 3,8 tỷ USD, đường hầm này chạy qua gần hết chiều dài đảo Hong Kong và giúp bảo vệ thành phố trước những trận lũ lụt từng cướp đi nhiều sinh mạng và gây thiệt hại diện rộng trong các thập kỷ trước.


Một lối vào đường hầm ở khu Đại Khanh. (Ảnh: CNN).

"Đường hầm này tiếp nhận khoảng 1/3 lượng mưa ở khu vực phía bắc Hong Kong", Lau cho biết. "Chúng tôi có khoảng 34 cửa cống. Tất cả nước chảy qua sẽ đổ vào đường hầm và được dẫn ra biển".

Thi công bằng hai máy đào hầm khổng lồ trong hơn 5 năm, bắt đầu vào năm 2007, đường hầm dài 10,5km, bằng một nửa chiều dài khu Manhattan của New York, đã giải quyết vấn đề cấp thiết mà Hong Kong, một trong những thành phố ẩm ướt nhất châu Á, phải đối mặt, đó là lượng mưa. Hong Kong nhận khoảng 2.400mm nước mưa mỗi năm, theo Cơ quan Dịch vụ Cấp thoát nước (DSD). Khoảng 80% mưa tập trung vào vài tháng trong năm.


Một cửa cống dẫn nước mưa vào đường hầm. (Ảnh: CNN).

Nhưng xây dựng mạng lưới này ở thành phố thuộc hàng đông dân nhất thế giới không phải nhiệm vụ dễ dàng. Đảo Hong Kong vốn đã có nhiều đường hầm đan xen, chứa hệ thống tàu điện ngầm của thành phố và những con đường xuyên núi. Do vậy, đường hầm thoát nước phía tây Hong Kong chạy qua cụm đồi phía sau thành phố, nằm ở độ sâu khoảng chục mét phía dưới mặt đất. Rất ít cư dân biết đường hầm tồn tại ở đó.

Các kỹ sư phải gia cố nền đất không vững chắc phía trên đường hầm để ngăn nước thấm qua khiến một số đoạn hầm sụp đổ. Để giải quyết khó khăn trong việc xây ống cống của đường hầm, những cửa cống và đường ống dẫn tới cống chính, ở khu đô thị đông dân, đội kỹ sư quyết định đào từ đường hầm lên mặt đất, sau đó thu gom gạch đá rơi xuống để tránh gây ảnh hưởng nhiều tới đường phố bên trên.

Mùa hè ở Hong Kong thực sự khắc nghiệt. Thời tiết nóng nực và ẩm ướt kéo dài từ tháng 6 tới tháng 9. Nhiệt độ cao đan xen với mưa bão xối xả. Hong Kong có hệ thống cảnh báo mưa bão bằng màu sắc, từ màu hổ phách tới màu đen, do Đài quan sát Khí tượng phát thông báo và gửi trực tiếp tới điện thoại di động của hàng triệu cư dân. Được đưa vào sử dụng năm 1967, các cảnh báo nhắc nhở người dân tránh đi lại do nguy cơ tai nạn trên đường hoặc lở đất do mưa lớn ở một số vùng núi của thành phố.

Các cơ quan và trường học đóng cửa khi lượng mưa ở mức hơn 70 mm mỗi giờ. Trong khi mưa loại này gây ngập lụt nhẹ do khả năng thấm nước kém của đường nhựa và bê tông, nhờ đường hầm khổng lồ dưới lòng đất, tình hình được cải thiện nhiều so với trong quá khứ.


Nước đổ vào bể chứa nước mưa bên dưới Happy Valley trong cơn bão. (Ảnh: CNN).

Trận bão mạnh nhất đổ bộ vào thành phố hồi tháng 9/1906, khiến 15.000 người thiệt mạng, theo Đài quan sát Khí tượng, tương đương 5% dân số Hong Kong khi đó (320.000 người). Vào thập niên 1960 và 1970, Hong Kong ghi nhận hàng trăm trường hợp tử vong do bão nhiệt đới. Hàng nghìn người mất nhà cửa vì ngập lụt, và thành phố phải chi hàng triệu USD để sửa chữa thiệt hại mỗi năm.

Đô thị hóa cũng làm tình hình ngập lụt càng thêm trầm trọng, do lát đá trên diện tích lớn đất tự nhiên, cây cỏ và bùn đất giúp thấm nước bị thay thế bằng bê tông và nhựa đường, dẫn tới nước tích tụ thành vũng gây ngập lụt. Những khu vực lâu đời trong thành phố cũng bị ảnh hưởng bởi hệ thống thoát nước được xây cho dân số nhỏ và có tiêu chuẩn kém.

Từ năm 1995, DSD đã chi khoảng 3,8 tỷ USD cho nhiều dự án, bao gồm lắp đặt đường ống cống dài 2.400 km, đào 360 km sông, xây 4 đường hầm khổng lồ dưới lòng đất dài tổng cộng 21 km, 4 bể chứa nước mưa. 11 bể chứa khác đang được xây dựng.

Đường hầm thoát nước phía tây Hong Kong là đường hầm lớn nhất trong số đó, chạy qua những ngọn núi phía trên khu dân cư Tin Hau, qua những quận thương mại đông đúc nhất như Kim Chung và Trung Hoàn, tới khu Cyberport ở ven biển phía tây. Ở đoạn rộng nhất, đường hầm có đường kính 7,25 m. Đường hầm chạy thoải dần để mượn trọng lực dẫn nước, tuy nhiên máy bơm có thể được huy động khi mưa lớn. Ngay cả vào ngày khô ráo, nước vẫn chảy xuống từ một cửa cống ở trên núi. Cửa cống này trông như một thác nước nhân tạo gồm nhiều bậc bê tông được thiết kế để giảm tốc độ dòng chảy. Nước đổ vào đường hầm hầu như không có mùi và trông giống một dòng sông.

Các giải pháp khác ở Hong Kong được thiết kế phù hợp với từng quận. Những ngôi làng và thị trấn ở vùng nông thôn được bảo vệ bởi bờ kè và kênh đào dùng để chỉnh dòng hoặc tạm thời lưu trữ nước. Trong khi đó, khu vực thành thị cần công trình quy mô hơn. Giải pháp dẫn nước mưa từ khu vực dễ bị ảnh hưởng ra biển giúp giảm số điểm ngập úng từ 126 điểm vào năm 1995 xuống còn 5 điểm như hiện nay.

Một trong những bể chứa nước lớn nhất ở Hong Kong nằm bên dưới trường đua ngựa nổi tiếng Happy Valley. "Nhìn từ bên ngoài bạn sẽ không bao giờ biết bể nước ở đó", Lau nói. Bể chứa trông như một bãi đỗ xe rộng mênh mông dưới lòng đất. Công trình có thể chứa tới 60.000m2 nước, tương đương 24 bể bơi tiêu chuẩn. Bể chứa bảo vệ một số bất động sản đắt giá nhất của thành phố trước nước lũ. Happy Valley cũng nằm trong kế hoạch tương lai của DSD nhằm tái sử dụng nước mưa trên khắp thành phố. Một phần nước rơi xuống trường đua ngựa được thu thập và tái sử dụng, phục vụ tưới tiêu và xả nước bồn cầu ở các tòa nhà gần đó.

Cập nhật: 28/07/2020 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video