Dự án cầu treo dài nhất thế giới gây tranh cãi gần 200 năm

Sau hàng thế kỷ, ý tưởng về một cây cầu bắc dài 3.300m qua eo biển Messina, nối Sicily và đất liền Italy vẫn gây tranh cãi và khả năng trở thành thực còn gặp nhiều khó khăn.

Trải qua nhiều thập kỷ tranh cãi chính trị và kỹ thuật, chính phủ Italy đang lên kế hoạch xây dựng cầu treo dài nhất thế giới, theo Wired. Nghiên cứu kỹ thuật hiện đại đầu tiên về cây cầu diễn ra năm 1866. Các kỹ sư kết luận cây cầu không khả thi và đề xuất xây đường hầm dưới nước. Nhưng ý tưởng xây đường hầm được cho là quá tốn kém và phức tạp, thay vào đó chính phủ đưa dịch vụ phà vào hoạt động năm 1896. Kế hoạch xây cầu tiếp tục trở thành chủ đề thảo luận công cộng vào năm 1950. Những cuộc khảo sát địa chất được tiến hành. Năm 1969, chính phủ Italy tổ chức một cuộc thi quốc tế để thiết kế cây cầu, thu hút 143 bài dự thi, trong đó có tác phẩm thắng cuộc, nhưng không tác phẩm nào vượt qua giai đoạn thiết kế sơ bộ.


Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Italy Matteo Salvini thảo luận về dự án cầu treo. (Ảnh: Marco Ravagli)

Mãi tới thập niên 1990, một thiết kế cầu treo một nhịp được thông qua. Dự án trở thành vấn đề chính trị sau khi Silvio Berlusconi sử dụng cây cầu để tuyên thệ tranh cử. Khi trở thành thủ tướng Italy vào năm 2001, Berlusconi phê duyệt và cấp kinh phí cho dự án. Nhưng đối thủ cánh tả của nhà chính trị đã hủy bỏ dự án sau khi ông thất bại trong cuộc bầu cử năm 2006. Berlusconi tái đắc cử vào năm 2008 và hồi sinh dự án. Không lâu sau, khủng hoảng kinh tế đẩy Berlusconi tới quyết định từ chức năm 2011. Người kế nhiệm ông là Mario Monti đình chỉ dự án lần gần nhất vào năm 2013.

Giữa tháng 3 năm nay, chính phủ Italy thông qua một sắc lệnh mở đường cho dự án xây dựng cầu. Thiết kế hiện nay là cầu treo một nhịp với chiều dài 3.300m, dài hơn 60% so với cầu Canakkale ở Thổ Nhĩ Kỳ đang giữ kỷ lục cầu treo dài nhất thế giới hiện nay (2.023m). Với trụ cầu cao 380m, cây cầu bắc qua eo biển Messina cũng sẽ giữ kỷ lục cao nhất thế giới về chiều cao công trình, vượt qua cầu cạn Millau ở Pháp (342). Câu cầu có thể chịu được 6.000 phương tiện đường bộ chạy qua mỗi giờ và 200 tàu mỗi ngày. Do nhịp cầu nằm ở độ cao 65 m phía trên mặt nước, giao thông hàng hải có thể diễn ra bên dưới mà không bị ảnh hưởng.

Thời gian di chuyển bằng tàu giữa đảo Sicily và Italy hiện nay là khoảng hai giờ bao gồm đi bằng phà, sẽ giảm xuống dưới 10 phút, giúp gần 5 triệu người đang sống ở Sicily gần với đất liền hơn. Theo Giuseppe Muscolino, giáo sư kỹ thuật ở Đại học Messina, kế hoạch trước đó là 3 nhịp cầu cùng với hai trụ cầu xây trên biển, mỗi trụ chìm sâu 80 - 100m bên dưới mực nước biển. Tuy nhiên, kế hoạch đó không khả thi do dòng hải lưu mạnh ở eo biển và nguy cơ đối với tàu bè.

"Một nhịp có lợi thế là trụ cầu xây trên đất liền. Vấn đề duy nhất là chiều dài hơn 3 km. Trở ngại chính là gió, nhưng thiết kế này đã được hoàn thiện trong đường hầm gió. Tôi tin chắc cây cầu có thể được xây an toàn", Muscolino nói.

Quá trình thi công có thể kéo dài 6 - 10 năm, theo Muscolino. Nhưng Enzo Siviero, kỹ sư kiêm nhà thiết kế cầu ủng hộ dự án, tính toán thời gian có thể rút ngắn xuống 5 năm tùy theo kinh phí. Siviero cho rằng phần lớn nền móng cho dự án bị đình chỉ năm 2013 vẫn có thể dùng được. Ông cũng đồng ý cầu treo một nhịp là lựa chọn duy nhất và gió là rủi ro chính.

Do về bản chất, cầu treo rất linh hoạt, các chuyên gia ít lo ngại về động đất, dù đây là khu vực có hoạt động địa chấn mạnh. Năm 1908, một trận động đất 7,1 độ gần như phá hủy Messina và giết chết hơn 80.000 người. Tuy nhiên, cầu treo sẽ an toàn, theo Giovanni Barreca, nhà địa chất học ở Đại học Catania. "Có một đường đứt gãy ở đây khiến Sicily và Calabria dịch chuyển xa nhau 3,5 mm/năm nhưng cây cầu có cột trụ ở cùng bên. Vì vậy, từ góc độ kỹ thuật và địa chất, dự án vẫn khả thi", Barreca nói.

Lý do phản đối lớn nhất đối với cây cầu liên quan tới môi trường. Các tổ chức môi trường từ lâu phản đối dự án do eo biển Messina nằm giữa hai khu vực được bảo vệ, đóng vai trò quan trọng trong hành trình di cư của chim biển và động vật biển có vú. Yếu tố kinh tế cũng gây tranh cãi do chi phí ước tính là 9,4 tỷ USD vào năm 2011 sẽ tăng lên do giá vật liệu gia tăng và lạm phát.

Cây cầu sẽ cần được xây giữa hai điểm gần nhất ở eo biển, vốn không phải nơi phà khởi hành. Điều đó có nghĩa cần xây thêm đường mới ở cả hai bên eo biển, có thể chiếm 1/2 chi phí dự án, theo Muscolino. Tuy nhiên, chính phủ dự kiến công tác thi công sẽ bắt đầu vào mùa hè năm 2024.

Cập nhật: 27/04/2023 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video