Tiểu hành tinh 100km trút mưa thiên thạch khổng lồ xuống Trái Đất

  •  
  • 31.747

Trận mưa thiên thạch cách đây 800 triệu năm có tổng khối lượng lớn gấp 30 - 60 lần thiên thạch Chicxulub từng khiến khủng long tuyệt chủng.

Một trận mưa thiên thạch khổng lồ trút xuống Trái đất và Mặt trăng cách đây 800 triệu năm, theo nghiên cứu công bố hôm 21/7 trên tạp chí Nature Communications của giáo sư Kentaro Terada ở Đại học Osaka, Nhật Bản, và cộng sự. Trong suốt sự kiện này, những thiên thạch va chạm với Trái đất có kích thước lớn hơn nhiều so với thiên thạch Chicxulub. Sự kiện xảy ra trước kỷ Thành Băng (635 - 720 triệu năm trước) khi Trái đất được bao phủ bởi những sa mạc băng. Đây là thời kỳ đánh dấu nhiều thay đổi lớn về môi trường và sinh học.

Mô phỏng trận mưa thiên thạch cách đây 800 triệu năm.
Mô phỏng trận mưa thiên thạch cách đây 800 triệu năm. (Ảnh: CNN).

Do quá trình xói mòn và tái tạo bề mặt trên Trái đất do hoạt động núi lửa và các quá trình địa chất khác, giới nghiên cứu gặp khó khăn trong tác động của thiên thạch lên hành tinh trong quá khứ và thời điểm xảy ra. Bất kỳ miệng hố va chạm nào có niên đại hơn 600 triệu năm đều đã bị xóa dấu vết. Đó là lý do Mặt trăng, thiên thể hầu như không bị thay đổi bởi xói mòn và thời tiết, trở thành lựa chọn thay thế để các nhà nghiên cứu tìm hiểu những miệng hố, qua đó xâu chuỗi lịch sử chung của Trái đất và Mặt trăng.

Trong nghiên cứu mới, Terada và cộng sự sử dụng dữ liệu thu thập bởi tàu quay quanh Mặt trăng Kaguya của Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản. Trong số 59 miệng hố có đường kính trên 20 km trên Mặt trăng mà nhóm nghiên cứu quan sát, 8 miệng hố dường như hình thành cùng thời điểm. Trong số đó có miệng hố Copernicus rộng 93 km. Sau khi hạ cánh trên Mặt trăng vào ngày 19/11/1969, các phi hành gia trên tàu Apollo 12 từng lấy mẫu vật chất bắn ra từ Copernicus khi miệng hố này hình thành. NASA cho biết mẫu vật có biên đại 800 triệu năm tuổi. Nhóm nghiên cứu kết luận 8 miệng hố này nhiều khả năng hình thành cùng lúc khi một tiểu hành tinh đường kính 100 km bị vỡ, tác động tới cả Trái đất và Mặt trăng.

Trong suốt trận mưa thiên thạch, một lượng lớn phospho được đưa tới Trái đất và các nguyên tố dễ bay hơi như carbon, nitrogen được chuyển đến Mặt trăng, theo Terada. Phospho có thể đóng vai trò như một dưỡng chất thúc đẩy tảo phát triển trên Trái đất. Có thể sự tồn tại của các nguyên tố theo thiên thạch tới Trái đất ảnh hưởng đến chu kỳ sinh địa hóa học ở biển, làm thay đổi hệ thống khí hậu và dẫn tới sự xuất hiện của động vật.

Nhóm nghiên cứu đặt giả thuyết Eulalia, tiểu hành tinh loại C ở vành đai giữa sao Hỏa và Trái đất, có thể gây ra trận mưa thiên thạch. Tiểu hành tinh loại C chứa carbon và là loại phổ biến nhất trong hệ Mặt Trời. Nếu Eulalia bị vỡ vì nguyên nhân gì đó, nó sẽ tạo mưa thiên thạch dội xuống Trái đất và Mặt trăng, đồng thời tạo ra những tiểu hành tinh bay gần Trái đất.

Cập nhật: 23/07/2020 Theo VnExpress
  • 31.747