Miệng hố tạo bởi mảnh vỡ tên lửa sẽ đâm vào Mặt trăng ngày 4/3 đủ lớn để chứa vừa vài chiếc xe tải.
Mảnh vỡ tên lửa lớn sẽ đâm vào vùng tối của Mặt trăng ở tốc độ 9.300km/h, cách xa tầm quan sát của các kính viễn vọng. Các cơ quan vũ trụ có thể mất nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng, để xác nhận tác động thông qua ảnh vệ tinh. Giới chuyên gia cho rằng vật thể đã trôi nổi trong không gian kể từ khi Trung Quốc phóng tên lửa cách đây gần một thập kỷ. Nhưng nhà chức trách Trung Quốc phủ nhận thông tin này. Các nhà khoa học dự đoán mảnh vỡ tên lửa sẽ tạo ra một hố va chạm có đường kính 10 - 20m, khiến bụi Mặt trăng bay xa hàng kilomet trên bề mặt trống trải nhiều hố trũng.
Mảnh vỡ tên lửa sẽ đâm vào vùng tối của Mặt trăng. (Ảnh: NASA)
Rác vũ trụ bay ở quỹ đạo thấp tương đối dễ theo dõi. Những vật thể phóng vào không gian sâu hơn ít có khả năng đâm vào bất kỳ thiên thể nào. Chuyên gia theo dõi tiểu hành tinh Bill Gray lần đầu xác định mảnh vỡ đến từ tên lửa của SpaceX hồi tháng 1. Ông đính chính thông tin sau đó một tháng và xác nhận vật thể bí ẩn không phải là tầng trên của tên lửa Falcon 9 đưa đài quan sát khí hậu không gian sâu của NASA lên quỹ đạo năm 2015.
Theo Gray, nhiều khả năng đây là tầng thứ 3 của tên lửa Trung Quốc đưa khoang lấy mẫu vật thử nghiệm lên Mặt trăng và quay trở lại Trái đất vào năm 2014. Tuy nhiên, nhà chức trách Trung Quốc cho biết tầng tên lửa này đã rơi trở lại khí quyển Trái đất và bốc cháy. Cơ sở dữ liệu của Bộ chỉ huy Vũ trụ Mỹ cũng cho thấy tầng tên lửa Trung Quốc từ nhiệm vụ năm 2014 chưa từng rơi khỏi quỹ đạo nhưng cơ quan này không thể xác định vật thể sắp đâm vào Mặt trăng đến từ quốc gia nào. Jonathan McDowell, nhà thiên văn học ở Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard - Smithsonian cũng ủng hộ kết luận mới của Gray.
Mặt trăng có vô số miệng hố với nhiều kích thước khác nhau. Do không có khí quyển, Mặt trăng gần như không thể cản lại các thiên thạch và tiểu hành tinh lao tới gần, đôi khi cả một số tàu vũ trụ đâm xuống. Không có khí quyển, miệng hố va chạm không bị xói mòn và tồn tại vĩnh viễn. Trung Quốc có một robot tự hành ở vùng tối của Mặt trăng nhưng phương tiện ở quá xa để phát hiện vụ va chạm diễn ra ở phía bắc đường xích đạo vào hôm 4/3. Tàu bay quanh quỹ đạo Lunar Reconnaissance của NASA cũng nằm ngoài tầm quan sát. Tàu Chandrayaan-2 của Ấn Độ cũng ít khả năng bay qua đó.