Các nhà khảo cổ khai quật được "trò chơi ngàn năm" tại Oman

  •  
  • 549

Các nhà khảo cổ học nghiên cứu tại Thung lũng Qumayrah tại Oman mới khai quật được một cổ vật quý hiếm: một bộ boardgame 4.000 năm tuổi. Bộ bàn chơi trò chơi sở hữu những vết khắc xếp thành hình lưới, đồng thời có những lỗ nhỏ. Bộ trò chơi cổ đại nằm gần ngôi làng Ayn Bani Saidah.

Nỗ lực khảo cổ là một phần dự án nghiên cứu những khu định cư từ thời Đồ Sắt và Đồ Đồng tại Thung lũng Qumayrah. Dự án có sự tham gia của Sultan al Bakri, lãnh đạo của Bộ Di sản và Du lịch Oman và nhà nghiên cứu Piotr Bielinski tới từ Trung tâm Khảo cổ Địa Trung hải thuộc Đại học Warsaw, Ba Lan.

Trò chơi ngàn năm.
Trò chơi ngàn năm.

Đây là một trong những khu vực khảo cổ ít được nghiên cứu nhất, mặc dù chuyên gia nhận định Thung lũng Qumayrah có thể từng là con đường thông thương giữa nhiều thành phố Ả-rập cổ đại.

Bên cạnh bộ “trò chơi ngàn năm”, đội khảo cổ tại Thung lũng Qumayrah còn tìm thấy nhiều cột đá tròn có từ thời Đồ Đồng, bên cạnh nhiều tòa tháp vuông vức. Họ còn tìm thấy dấu vết của một tháp luyện đồng, cho thấy khu vực này từng chứng kiến kẻ mua người bán đi lại nhộn nhịp.

Khu vực khảo cổ tại Oman.
Khu vực khảo cổ tại Oman.

Chúng ta từng nhiều lần thấy trò chơi cổ đại xuất hiện tại nhiều khu khảo cổ, với niên đại hàng thiên niên kỷ: như trò Senet và Mehan có xuất xứ Ai Cập cổ đại, hay ludus lantrunculorum (trò chơi lính đánh thuê) được các quân đoàn La Mã ưa chuộng. Còn trong phát hiện mới, bàn boardgame có thể là “tiền bối” của một trò chơi tồn tại ở Trung Đông cổ đại, có tên gọi Royal Game of Ur (Trò chơi Hoàng gia của Ur).

Nhà khảo cổ người Anh, Ngài Leonard Woolley được vinh danh là người tìm ra Trò chơi Hoàng gia của Ur. Nhóm của ông khai quật Nghĩa trang Hoàng Gia tại Ur, và đã tìm thấy 5 bàn chơi game có niên đại 3.000 năm Trước Công nguyên.

Bàn dùng để chơi Royal of of Ur.
Bàn dùng để chơi Royal of of Ur.

Không ai biết những game này chơi ra sao cho tới đầu thập niên 80, khi một chuyên viên Bảo tàng Anh có tên Irvign Finkel dịch văn tự khắc trên đất nặn có từ thời Babylon mô tả cách chơi Royal Game of Ur. Hóa ra, nhiệm vụ của hai người chơi là tìm cách đưa quân cờ của mình đi vòng quanh bàn trước đối thủ.

Tuy vậy, một báo cáo nghiên cứu xuất bản năm 2013 cho thấy luật lệ có thể cả hình dáng bàn chơi và luật biến chuyển theo thời gian; nhóm các nhà khoa học đi đến kết luận sau khi phân tích hơn 100 boardgame có nguồn gốc Cận Đông. Tính tới thập niên 50, vẫn còn ngôi làng Kochi tại Ấn Độ chơi một phiên bản của game này có tên Aasha.

Cập nhật: 01/03/2022 Theo Pháp luật&bạn đọc
  • 549