Một nhóm các bác sĩ ở Bệnh viện mắt London lần đầu tiên sử dụng liệu pháp gien để điều trị cho những bệnh nhân liên quan đến bệnh rối loạn điều tiết mắt. Liệu pháp gien mới này cho phép các bác sỹ cấy vào mắt người bệnh một gien dò ánh sáng, sau đó, họ sẽ điều trị cho đến khi võng mạc của mắt có khả năng nhận được ánh sáng một cách bình thường.
Họ đã tiến hành liệu pháp mới này trên Robert Johnson, một người đàn ông mắc chứng rối loạn điều tiết mắt, một căn bệnh mà càng về già, những dấu hiệu xấu xuất hiện càng nhiều.
Ông Johnson mắc chứng rối loạn mắt là do một gen trong mắt bị lỗi. Điều này khiến cho lớp tế bào ở võng mạc của mắt không thể hoạt động. Bình thường, đây sẽ là những tế bào dò ánh sáng. Nhưng đối với trường hợp của ông Johnson, những tế bào này bị phá huỷ.
Hiện tại, ông Johnson được cấy một gien vào mắt. Nhờ đó, ông có thể tự nhìn thấy cảnh vật bên ngoài vào ban ngày. Nhưng về đêm, khả năng này sẽ kém hơn. Các bác sĩ hi vọng các gien thay thế được cấy vào mắt sẽ hồi phục khả năng của những tế bào này ở võng mạc.
Cơ chế của liệu pháp gien: 1. Một vật thăm dò được đưa vào mắt và đưa đến võng mạc. 2. Gien thay thế được xen vào giữa 2 lớp của tế bào nhận sáng, tạo nên võng mạc. Đó là các sắc tố bảo vệ cơ quan tiếp nhận các kích thích ánh sáng. 3. Một khi được điều trị, các gien trên lớp sắc tố được lưu trữ và cung cấp các kích thích ánh sáng để mắt có thể nhận được ánh sáng một cách bình thường. 4. Cơ quan tiếp nhận kích thích của ánh sáng sẽ chuyển ánh sáng từ mắt lên hệ thần kinh trung ương để xử lý. |
Phải mất đến vài tháng nghiên cứu và thử nghiệm, những bác sỹ này mới biết được chính xác rằng liệu pháp này có thực sự mang lại những thành công như mong đợi hay không. Nếu thành công, liệu pháp này sẽ được ứng dụng rộng rãi để điều trị cho một lượng lớn những người mắc bệnh rối loạn mắt như hiện nay.
Liệu pháp này đã được tiến hành trong phòng thí nghiệm, trên động vật nhưng nếu khả thi, mang lại những thành công nhất định thì Johnson sẽ là bệnh nhân thứ 12 được chọn để áp dụng điều trị bằng liệu pháp tiên tiến này.
Trưởng nhóm nghiên cứu, giáo sư Robin Ali đến từ Viện mắt London cùng nhiều đồng nghiệp đã mất đến 15 năm để nghiên cứu và phát triển thành công ứng dụng quan trọng này. Ông cho biết: “Tôi không thể diến tả hết cảm giác lo sợ khi tiến hành thử nghiệm. Chúng tôi đã mất quá lâu để có được thành công này”. Còn đồng nghiệp của ông, James Bainbridge, nói rằng, khi làm, họ không tin ca phẫu thuật này sẽ thành công.
Thế nhưng cuối cùng, mọi thứ đã ổn thoả. Ông còn cho biết thêm: “Liệu pháp này cho phép chúng tôi có thể xác định và chữa trị được những gien bị hỏng mà không hề gây ra một biến chứng nào... "
Liệu pháp này đòi hỏi một độ chính xác rất cao. Chỉ cần một sơ suất nhỏ, võng mạc của bệnh nhân sẽ bị rách và công việc điều trị sẽ gặp thất bại hoàn toàn.
Các bác sĩ đang cấy gien vào mắt của bệnh nhân (Ảnh: BBC)
Cẩm Quyên