Các nhà khoa học mới đây đưa ra tuyên bố cho rằng Mặt trăng đóng một vai trò quan trọng trong lượng khí được giải phóng trên Trái đất.
Tất cả liên quan đến thủy triều và lực hấp dẫn của Mặt trăng gây ra, một hiện tượng mà chúng ta có thể định lượng được. Bằng cách đặt một thiết bị đo ở Bắc Băng Dương trong 4 ngày đêm, các nhà nghiên cứu có thể đo sự thay đổi nhiệt độ và áp suất theo thời gian.
Những gì các nhà nghiên cứu phát hiện ra là sự hiện diện của khí methane gần đáy biển tăng và giảm theo thủy triều, đây là một yếu tố góp phần quan trọng khi giải phóng khí methane, và một yếu tố tác động đến sự thay đổi khí hậu mà chúng ta đang chứng kiến hiện nay và trong tương lai.
Sự hiện diện của khí methane gần đáy biển tăng và giảm theo thủy triều.
Nhà địa vật lý biển Andreia Plaza-Faverola từ Đại học Tromsø của Na Uy cho biết: "Chúng tôi nhận thấy rằng khí tích tụ nằm trong lớp trầm tích cách đáy biển 1 mét rất dễ bị tổn thương bởi những thay đổi áp suất nhỏ trong cột nước. Thủy triều thấp có nghĩa là áp suất thủy tĩnh ít hơn và cường độ giải phóng khí methane cao hơn. Triều cường tương đương với áp suất cao và cường độ xả thải thấp hơn".
Những vụ rò rỉ khí methane này ở Bắc Băng Dương đã xảy ra hàng nghìn năm, gây ra bởi các yếu tố như hoạt động địa chấn và núi lửa, nhưng còn nhiều điều cần tìm hiểu về cơ chế gây ra sự rò rỉ này và ảnh hưởng đến tốc độ của nó.
Đó là nơi Mặt trăng và thủy triều xuất hiện. Các nhà nghiên cứu cho biết thủy triều có thể được sử dụng như một cách để dự đoán lượng khí thoát ra từ Bắc Băng Dương từ ngày này sang ngày khác, ngay cả khi độ cao thủy triều thay đổi dưới 1 mét.
Một trong những điều rút ra được là khí thải từ đáy biển lan rộng hơn so với dữ liệu từ các cuộc khảo sát sonar thông thường cho thấy. Chúng ta có thể đã đánh giá thấp lượng khí mà Bắc Cực đang rò rỉ vào lúc này ngay cả khi nó không được giải phóng cùng một lúc.
"Các hệ thống trên Trái đất được kết nối với nhau theo những cách mà chúng tôi vẫn đang giải mã. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy một trong những kết nối như vậy ở Bắc Cực. Mặt trăng gây ra các lực thủy triều, thủy triều tạo ra sự thay đổi áp suất và các dòng chảy đáy từ đó hình thành đáy biển, tác động đến sự phát thải khí methane", Plaza-Faverola cho biết.
Nghiên cứu cũng nêu ra khả năng mực nước biển dâng cao có thể chống lại sự giải phóng khí methane từ các đại dương vì áp lực nước lớn hơn khiến khí bị giữ lại lâu hơn. Đó chỉ là một trong vô số yếu tố mà các nhà khoa học phải cân nhắc.
Tiếp theo, các nhà nghiên cứu muốn thu thập thêm dữ liệu trong một khoảng thời gian dài hơn để xem những thay đổi của thủy triều ảnh hưởng như thế nào đến việc giải phóng khí methane trong toàn bộ khu vực, từ các khu vực nước sâu như khu vực này đến các khu vực nước nông nơi ảnh hưởng của sự thay đổi thủy triều đến việc giải phóng khí có thể còn lớn hơn.
Trong khi những thay đổi của thủy triều có liên quan đến phát thải khí methane trong quá khứ, thì vị trí địa lý của nghiên cứu này và những dao động quan sát được bởi những khác biệt nhỏ về áp suất khiến nó trở thành một điểm thông tin mới quan trọng cho mô hình biến đổi khí hậu trong tương lai.
Nhà địa chất biển Jochen Knies nhấn mạnh: "Đây là lần đầu tiên quan sát này được thực hiện ở Bắc Băng Dương. Điều đó có nghĩa là những thay đổi áp suất nhỏ có thể giải phóng một lượng khí methane đáng kể".