Các nhà khoa học Đức đã xác định được nguyên nhân khiến Mặt trời của chúng ta cứ nổi loạn rồi dần hiền lành mỗi 11 năm.
Các nhà khoa học khắp thế giới từng xác định được "chu kỳ Mặt trời" diễn ra mỗi 11 năm, bao gồm sự hoạt động cực đại với sự gia tăng những ngọn lửa Mặt trời, những cơn bão giải phóng khối lượng vật chất cực quang… ít nhiều ảnh hưởng đến Trái đất mỗi đầu chu kỳ, rồi lại suy yếu dần. Nhưng thứ gì gây ra chu kỳ nổi loạn rồi lại hiền lành của Mặt trời vẫn còn là một bí ẩn.
Nghiên cứu mới công bố trên tạp chí khoa học Solar Physics của Viện Nghiên cứu độc lập Helmholtz-Zentrum Dresden-Rossendorf (HZDR – Đức) đã tìm ra câu trả lời.
Mặt trời - (ảnh: NASA).
Mặt trời không tự nó nổi loạn, công trình mới cho biết. Trước đây mọi người tin rằng hầu hết các hành tinh trong Hệ Mặt trời bị ngôi sao mẹ này chi phối kiểu 1 chiều. Nhưng không, những "cơn ẩm ương" của Mặt trời có liên quan đến 3 hành tinh lớn và gần gũi nó: sao Kim, sao Mộc và cả Trái đất của chúng ta.
Năng lượng mạnh mẽ của thủy triều từ sao Kim, Trái đất và sao Mộc, những hành tinh thuộc dạng to lớn và đủ gần (nằm ở vị trí thứ 2,3 và 5 kể từ Mặt trời) đã tạo ra lực hấp dẫn đủ lớn để gây ra những thay đổi đối với plasma trên bề mặt của Mặt trời.
Mỗi 11,07 năm, các hành tinh này sẽ vô tình nằm vào một vị trí khiến cho lực hấp dẫn tổng hợp từ chúng tác động mạnh nhất tới ngôi sao mẹ, khiến Mặt trời "nổi loạn". Trong giai đoạn hoạt động cực đại này, Mặt trời sẽ xuất hiện nhiều vết đen hơn khi được quan sát bằng các kính viễn vọng hiện đại.
Để đưa đến kết luận trên, nhà khoa học Frank Stefani, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết ông và các cộng sự đã xem xét dữ liệu về hoạt động của Mặt trời và các hành tinh quanh nó suốt gần 1.000 năm qua. Sự trùng hợp giữa chu kỳ Mặt trời và hoạt động của 3 hành tinh nói trên thể hiện rõ ràng trong suốt 90 chu kỳ liên tục.
Mặc dù lực hấp dẫn tổng hợp của cả 3 hành tinh không đủ mạnh để trực tiếp thay đổi phần "nội thất" của Mặt trời, nhưng đủ để thay đổi hành vi của một chất lỏng hoặc một dạng vật chất bất ổn định như plasma, được gọi chung là "sự bất ổn Tayler".
Do bị tác động bởi yếu tố từ bên ngoài, bản thân "sự bất ổn Tayler" cũng khác biệt trong mỗi chu kỳ. Ví dụ, vào thế kỷ 17, một chu kỳ hoạt động Mặt trời vào loại yếu đã gây nên "kỷ băng hà mini" ở Châu Âu.
Tin vui là chu kỳ sắp tới của Mặt trời – chu kỳ 25, kéo dài từ năm 2023 đến 2026 – được cho là "dước mức trung bình". Mối đe dọa lớn nhất có thể xảy ra trong các chu kỳ hoạt động mạnh của Mặt trời là những cơn bão năng lượng đe dọa phá hủy hệ thống điện và vệ tinh của người Trái đất.